Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến vào dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) chiều 10-4, hầu hết các ĐBQH đều tin tưởng rằng dự thảo Luật sẽ sớm giải quyết được những bất cập hiện nay trong lĩnh vực xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh Internet.
Tại Kỳ họp thứ 6, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Đã có 102 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 24 ý kiến ĐBQH phát biểu tại Hội trường về dự thảo Luật. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH.
Sửa Luật Xây dựng để đỡ phiền cho dân
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật vẫn còn 2 luồng ý kiến. Có nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động đầu tư xây dựng nhưng cần thể hiện gọn hơn. Loại ý kiến thứ hai cho rằng Luật này chỉ điều chỉnh hoạt động xây dựng như là một hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của một số luật khác như Luật Đầu tư, dự án Luật Đầu tư công…
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) bày tỏ, nếu sớm ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi) thì chắc đã không có những bất cập trong quy hoạch, giải tỏa đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa, đường Trường Chinh bị uốn cong như báo chí đưa tin; hay như “dự án Xuân Phương khiến nhiều người khổ sở bao nhiêu năm nay”. |
UBTVQH thống nhất với loại ý kiến thứ nhất vì cho rằng, mục đích tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng là nhằm tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng. Đây là quá trình quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình và thực hiện các hoạt động xây dựng cụ thể (khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình…).
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Theo ĐB, còn thiếu 3 phần là quyết toán công trình (nhiều công trình hiện nay không quyết toán được); kiểm toán công trình (nếu không quy định là thiếu sót); quản lý sử dụng công trình (nếu không sẽ hư hỏng). Do đó, ĐB đề nghị phải quy định thêm 3 chương liên quan đến nội dung của 3 lĩnh vực trên.
Về quy hoạch xây dựng, qua phiên thảo luận của QH tại kỳ họp thứ 6, phần lớn ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật. UBTVQH cũng nhất trí với đa số ý kiến của các vị ĐBQH, bởi việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Trên thực tế, không thể tiến hành đầu tư xây dựng công trình khi chưa có quy hoạch. Quy hoạch xây dựng để tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến xây dựng.
Tuy nhiên, trong tương lai UBTVQH cho rằng, cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quy hoạch để điều chỉnh tổng thể các loại quy hoạch khác nhau, trong đó có đạo luật riêng về quy hoạch xây dựng.
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng, trình tự các bước điều chỉnh quy hoạch còn chung chung chưa chi tiết, chưa định rõ bước đầu tiên đến cuối cùng cần phải làm gì và như thế nào. Theo ĐB, cần lấy ý kiến cộng đồng trong việc lập, thiết kế quy hoạch, trong đó cần lấy các ý kiến các Hội, Hiệp hội chuyên ngành để đảm bảo chất lượng các đề án, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gây lãng phí.
“Cấp phép xây dựng còn hỗn loạn”
Về giấy phép xây dựng, tại Kỳ họp thứ 6, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn và khả thi hơn đối với điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm. Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào không cần giấy phép xây dựng, đặc biệt là địa bàn nông thôn.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng):
“Cần lập cơ quan quản lý chuyên ngành về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Hiện nay các công ty tư vấn, “tư” thì ít mà “vấn” lại nhiều mọc lên như nấm, phải quy định chặt chẽ chứ không lại lặp lại vụ như PMU 18”.
|
UBTVQH cho rằng đây là ý kiến rất xác đáng cần phải tiếp thu. Do đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về điều kiện cấp giấy phép đối với công trình, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, ngoài đô thị, nông thôn; giấy phép xây dựng tạm… Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung 3 điều mới quy định về hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Theo ĐB Huỳnh Thành Lập (TP. HCM), nên có quy định cấp giấy phép cho xây dựng tạm, trong đó có thời gian cho dự án có thể từ 10-15 năm. Nếu trong vòng thời gian đó, chủ công trình tự tháo dỡ không phải đền bù, để đảm bảo lợi ích của người có quyền sử dụng đất.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, cấp phép xây dựng và quy hoạch xây dựng là 2 công cụ quan trọng nhất, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dựng.
“Hiện nay việc cấp phép xây dựng nhiều nơi đang còn hỗn loạn. Cấp phép xây dựng phải được kiểm soát chặt chẽ nhưng phải cải cách thủ tục hành chính để thuận tiện, minh bạch, tránh tình trạng cơ quan cấp phép làm khó người dân, DN”, ông Tiến cho hay.
Liên quan đến từ ngữ trong dự thảo Luật, ĐB Lê Như Tiến đồng tình với ĐB Trần Ngọc Vinh về khái niệm “cấp phép xây dựng tạm” là không phù hợp với văn phong luật pháp, nên thay bằng “giấy phép xây dựng có thời hạn” thì phù hợp hơn.
Theo Báo Hải Quan