Theo Bộ Xây dựng, tình hình thị trường bất động sản (BĐS) nói chung, thị trường nhà ở nói riêng đã có “phản ứng” tích cực với các giải pháp tháo gỡ khó khăn được áp dụng từ đầu năm.
Thị trường bất động sản đang “ấm” dần lên sau một thời gian dài “nguội lạnh”. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Cơ cấu nguồn cung nhà ở đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục; phân khúc nhà ở xã hội, những căn hộ có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước.
So với thời điểm “sốt nóng” về giá giai đoạn năm 2008-2010, hiện tại giá nhà ở đã giảm mạnh, nhiều dự án giảm tới 50%, về sát với mức giá tương đương thời điểm năm 2006. Đặc biệt, đối với căn hộ cao cấp, đất nền, nhà thấp tầng (phân khúc nhà ở được coi là khủng hoảng thừa), chủ đầu tư đã chủ động áp dụng các giải pháp bán hàng, khuyến mãi, điều chỉnh cơ cấu căn hộ, giao sản phẩm xây thô để khách hàng tự hoàn thiện… nhằm hạ giá bán. Vì vậy, hầu hết những dự án này đều giảm giá 10-30%. Cá biệt, có những dự án cũng giảm tới 50% giá bán so với thời điểm “sốt nóng” cách đây hai năm.
Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố, thị trường nhìn chung vẫn trong tình trạng “đóng băng”, lượng giao dịch trên thị trường vẫn thấp so với thời điểm 2008-2010. Điểm đáng chú ý là phân khúc căn hộ chung cư diện tích nhỏ, giá “bình dân”, đã hoàn thiện vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng. Điển hình như những dự án có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại Hà Nội là Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm) của Tổng Công ty Viglacera, dự án chung cư VP5 Linh Đàm (Hoàng Mai), chung cư CT11 – Kim Văn – Kim Lũ (Hoàng Mai), chung cư Đại Thanh (Thanh Trì)…
Thậm chí, có dự án giao dịch rất nhanh như dự án nhà ở tại Khu đô thị Đặng Xá, trong số 144 căn hộ diện tích 47-69m2, chủ đầu tư đã bán 118 căn (hơn 80%) chỉ trong nửa tháng, với giá bình quân 13,8 triệu đồng/m2. Hay dự án Ehom 4 của chủ đầu tư – Công ty Nam Long – TP. Hồ Chí Minh, cũng đã bán 80% số căn hộ chỉ sau một tuần.
Nhờ các giải pháp tích cực được đưa ra trong thời gian qua, nhất là việc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà xã hội, tái cơ cấu lại diện tích căn hộ cho phù hợp với nhu cầu thị trường nên lượng hàng BĐS tồn kho tính trên phạm vi toàn quốc liên tục giảm kể từ tháng 3/2013 tới nay. Theo Bộ Xây dựng, giá trị tồn kho BĐS tháng 9/2013 là 101.889 tỷ đồng, giảm 4.200 tỷ đồng (khoảng 4%) so với tháng 8/2013, giảm 5.603 tỷ đồng (5,2%) so với tháng 7/2013, giảm 6.884 tỷ đồng (6,3%) so với thời điểm tháng 6/2013. So với thời điểm tháng 3/2013, giá trị tồn kho BĐS đã giảm 26.660 tỷ đồng, bằng 20,7% (giá trị tồn kho BĐS tháng 3/2013 là 128.549 tỷ đồng).
Xu hướng giảm lượng tồn kho BĐS cũng được ghi nhận tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội lượng tồn kho BĐS tính đến tháng 7/2013 là 14.487 tỷ đồng, giảm 2.573 tỷ đồng (khoảng 15%) so với tháng 6/2013. Trong khi tại TP. Hồ Chí Minh, giá trị tồn kho BĐS tháng 9/2013 là 21.947 tỷ đồng, giảm 4.200 tỷ đồng (khoảng 16%) so với tháng 8-2013.
Mặc dù ghi nhận những dấu hiệu tích cực, song Bộ Xây dựng cũng cho rằng thị trường BĐS là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều thị trường khác nên phải có sự phối hợp và nỗ lực của các ngành, địa phương. Mặt khác, các chính sách điều tiết vẫn cần có thêm thời gian để vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Sau khi đánh giá tình hình triển khai dự án BĐS tại các địa phương, doanh nghiệp, phân tích nguyên nhân dẫn đến “đóng băng” thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường phải là khắc phục sự lệch pha cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý, đưa sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đa số người mua.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường phải gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, hướng tới mục tiêu người nghèo có nhà ở, bằng hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý, bảo đảm thị trường phát triển, có kế hoạch – quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ tín dụng, điều chỉnh chính sách thuế, cải cách thủ tục hành chính…
Theo TCTC