Bắt tay là hành động rất được ưa chuộng trong thế giới văn minh. Thuở xưa, người ta bắt tay nhau để đảm bảo rằng không ai cầm vũ khí trong tay. Còn giờ đây, chính cái bắt tay lại được coi là “vũ khí” để con người chinh phục thành công.
Một cái bắt tay có thể tạo lập cũng có thể phá huỷ mối quan hệ làm ăn với đối tác. Nó là cử chỉ không thể thiếu được trong các “tiết mục” kinh doanh, trong các cuộc họp, kí kết hợp đồng, các cuộc phỏng vấn,…
Ngày nay, ngay cả khi các phương thức giao tiếp hiện tại như e-mail, fax, điện thoại, internet đang lên ngôi và “làm vương làm tướng” thì một cuộc gặp mặt trực tiếp với cái bắt tay ban đầu vẫn giữ nguyên giá trị đích thực của nó.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mọi người sẽ nhớ những người họ bắt tay khi gặp mặt hơn là những người không bắt tay. Nhưng không phải cái bắt tay nào cũng có giá trị ngang nhau. Một cái bắt tay chuyên nghiệp không hề dễ học.
Khi bạn tiếp cận một ai đó, đứng cách xa gần 1 m, bước đầu tiên là duỗi thẳng cánh tay phải, tạo thành một góc so với ngực, với ngón tay cái hướng lên. Khi tiếp cận với tay người đối diện, hãy nắm bàn tay lại, cụp ngón tay cái vào rồi xiết nhẹ tay người đó. Xiết vừa đủ độ tin cậy nhưng không quá mạnh. Rung nhẹ 2, 3 lần rồi buông tay ra. Đừng buông quá đột ngột, gây hụt hẫng.
Đừng bắt tay quá nhanh, khiến người kia có cảm giác bạn là người hời hợt hoặc là kẻ hào nhoáng và dẻo mỏ. Cũng đừng giữ tay người đối diện quá lâu, đặc biệt là với phụ nữ. Như thế, người kia sẽ cho rằng bạn đang lợi dụng họ, hoặc bạn là người bất lịch sự, không hiểu những nghi lễ xã giao thông thường.
Trong các buổi gặp gỡ, nếu bạn được giới thiệu trước, hãy giơ tay ra trước, biểu lộ ý muốn sẵn sàng làm quen. Nhưng khi bạn đang làm quen với một người có địa vị lớn hơn rất nhiều, tốt hơn hết bạn nên đợi người đó chìa tay ra trước.
Hãy đảm bảm rằng đôi tay bạn luôn khô ráo và sạch sẽ. Trừ phi bạn là một công nhân đang làm việc trên công trường, còn thì điều tối kỵ nhất là khi đối tác đưa tay ra, bạn mới vội chùi tay vào… đâu đó. Nếu tay bạn hay bị ra mồ hôi, hãy luôn mang theo mình chiếc khăn mùi xoa để lau tay trước buổi gặp mặt.
Tuyệt đối không nên bắt tay người này nhưng mắt lại mải mê ngắm nhìn người kia, hành động đó tiết lộ rằng bạn không trung thực và chân thành.
Có những trường hợp không thể thiếu cử chỉ bắt tay:
– Khi bạn được giới thiệu với ai đó và khi tạm biệt ai.
– Khi khách hàng, đối tác, hay bất cứ khách nào bước vào công ty.
– Khi bạn tình cờ gặp một người lâu rồi không liên lạc.
– Khi bạn bước vào phòng họp và được giới thiệu với các thành viên khác.
Giá trị của cái bắt tay phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, có thể xem cái bắt tay chuyên nghiệp là chìa khóa mở cánh cửa thành công.
Theo Fabjob