Có nhiều nguyên nhân khiến cánh cửa vào đời của các bạn trẻ ngày càng bị thu hẹp: việc ít, đòi hỏi cao, lao động nhiều,… song có những nguyên nhân chủ quan nằm ở chính các bạn. Chính họ đã đẩy cánh cửa vốn hẹp lại càng hẹp hơn.
Kén việc
Đây là tâm lý khá phổ biến của nhiều bạn trẻ hiện nay, nhất là những cô, cậu cử. “Đó không phải là việc của tôi”, hoặc “Mình mất bao nhiêu năm học để đi làm việc này à?” là những phản ứng của các bạn trước công việc chạy bàn, tiếp thị, bán hàng…
Thậm chí cả những sinh viên chưa ra trường cũng phải tìm việc làm thêm sao cho “xứng”. Ít thì cũng phải là lễ tân hay phiên dịch, guide,… Có cô cậu còn tuyên bố: “Thà chịu thất nghiệp chứ quyết không thèm làm việc trái nghề!”.
Ai cũng biết và buồn cho tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay. Trong điều kiện thị trường lao động khó khăn, việc làm trái nghề, chưa phù hợp với mong muốn, ý thích cũng là cách để bạn tích lũy kinh nghiệm. “Kinh nghiệm” mà các nhà tuyển dụng yêu cầu không chỉ thuộc về lĩnh vực chuyên môn, đó còn là những kỹ năng tổ chức, khả năng làm việc độc lập, những mối quan hệ xã hội, vốn sống, kỹ năng giao tiếp…
Lời khuyên của các nhà tuyển dụng là: “Nên coi mình là người phải xin và làm bất cứ việc gì. Hãy biết tạm quên những gì đã học cũng như tạm bằng lòng trong một thời gian và cần nhìn vào thực tế một chút”.
Học không đi đôi với hành
Sinh viên mới ra trường thường hay bị “sốc” bởi từ những kiến thức học ở trường đến thực tế công việc là một khoảng cách khá xa. Điều này đặc biệt đúng với những nghành khoa học xã hội và nhân văn. Có khá nhiều sinh viên báo chí trong suốt 4 năm ở đại học, thậm chí sau khi ra trường vẫn không thể viết được một bài “đàng hoàng” để có thể đăng báo.
Có không ít sinh viên khoa văn hơn 3 năm đại học chưa hề bước chân vào thư viện hoặc chưa đọc xong một tác phẩm trọn vẹn mà giảng viên yêu cầu. Đến khi thi mới nháo nhào ôm đề cương mà “tụng” và thi như một cách “trả nợ” thầy. Nếu cứ học để thi, thi để đậu, để có bằng cấp, để tìm việc làm thì cho dù may mắn tìm được việc phù hợp bạn cũng khó duy trì công việc được lâu.
Không ít bạn “học giỏi để bảo đảm thành tích”, “để làm vui lòng bố mẹ” thì sau khi ra trường sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực. Tại sao bạn không học vì mình, vì công việc tương lai hay vì một mục đích nào đó đã được xác định trước?
Không thể phủ nhận rằng tốt nghiệp với tấm bằng khá giỏi thì cơ hội xin được việc sẽ cao hơn. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy: không hiếm nhũng bạn học rất giỏi, đạt nhiều thành tích trong trường, nhưng khi vào đời có khi không bằng những bạn có học lực trung bình.
Có thể một phần do phương pháp dạy ở trường thiên về lý thuyết hơn, khiến sinh viên không có nhiều cơ hội được va chạm với thực tế. Tuy nhiên yếu tố quyết định vẫn là ở mỗi người.
“Học đi đôi với hành”, biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế ngay từ khi còn ở giảng đường cũng là cách tích lũy kinh nghiệm để sinh viên có thể dễ dàng hội nhập và thích ứng với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Theo Việc làm Thanh Niên/Phụ Nữ