Một vị giám đốc trẻ quá bàng hoàng khi nhận được tin nhắn xin thôi việc từ người nhân viên thân cận, giỏi giang nhất của mình. Người nhân viên không muốn trực tiếp gặp anh vì sợ rằng tình thân giữa hai người sẽ khiến anh ta không thể “dứt áo ra đi”.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện bất ngờ mà những nhà lãnh đạo phải tiếp nhận. Họ có thể làm đầu tàu, dẫn dắt cả một công ty lớn nhưng đôi khi lại không thể hiểu nổi một con người, dù người đó hàng ngày luôn có mặt bên cạnh họ.
Một vị giám đốc chia sẻ: “Tôi vẫn chưa hiểu hết lý do đích thực của một số nhân viên có năng lực đã ra đi dù chính sách đãi ngộ của công ty không chê vào đâu được. Nhiều khi tôi có cảm giác mình mới chỉ hiểu những gì họ bộc lộ bên ngoài”.
“Tảng băng ngầm” trong mỗi nhân viên
Những nhà quản lý nhân sự có kinh nghiệm cho rằng trong mỗi nhân viên đều có một “tảng băng ngầm”. Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, thái độ trong giao tiếp là những phần nổi nhà lãnh đạo có thể nhìn thấy ở từng nhân viên. Còn “tảng băng ngầm” chính là động cơ làm việc, tình cảm của nhân viên đối với công việc, công ty, quan điểm, nhận thức của họ về định hướng phát triển của công ty, tâm tư tình cảm,…
Phần ngầm này rất khó nắm bắt nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động cũng như thái độ làm việc của nhân viên.
Khám phá “tảng băng ngầm” chính là một thách thức đối với nhà quản lý. Một khi nhìn thấy được các “tảng băng ngầm”, nhà quản lý sẽ hiểu rõ được nhân viên mình muốn gì, từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm kích thích nhân viên làm việc hay là giữ chân họ lại.
Chẳng hạn, với một nhân viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì yếu tố vật chất bao gồm lương, thưởng và phương tiện làm việc sẽ có tác động rất lớn đến động lực làm việc của họ. Trong nhiều trường hợp, yếu tố vật chất sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn nơi làm việc của nhân viên.
Tuy nhiên, chính người nhân viên đó, vài năm sau khi cuộc sống của gia đình họ khá hơn, khả năng làm việc tiến bộ hơn, họ có thể có suy nghĩ khác trước. Lúc này, để giữ chân họ lại cần yếu tố khác, chẳng hạn như cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, danh tiếng công ty…
Để thấy được “phần chìm của tảng băng”
Biết lắng nghe nhân viên và tìm cách “moi” thông tin ở họ, đó là một cách “giải mã” nhân viên hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy nhà quản trị cần phải biết dành thời gian cho những buổi gặp gỡ thân tình với nhân viên (ăn trưa, ăn tối, sinh nhật,…). Đôi khi trong những không gian thân tình, nhân viên lại cảm thấy dễ đề đạt ý kiến. Cũng không hiếm trường hợp có nhân viên mượn men bia để trút hết nỗi lòng với sếp. Đó chính là phút nói thật của họ.
Ngoài cách tiếp cận trực tiếp, nhà quản lý còn cần một hệ thống tai mắt thông tin nội bộ để hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của nhân viên. Nhưng sử dụng hệ thống thông tin này là một nghệ thuật. Nó đòi hỏi nhà quản lý phải có tầm nhìn bao quát, khả năng thẩm định và chọn lọc thông tin. Việc đưa ra quyết định cũng phải thật khách quan nhằm tránh cho nhân viên cảm giác đang có “người chỉ điểm” trong số các đồng nghiệp.
Nhà lãnh đạo giỏi là người luôn tìm cách tạo ra cho mình những công cụ hiệu quả để “giải mã” những suy nghĩ của nhân viên. Một khi nhìn thấy được “tảng băng ngầm” đó, nhà lãnh đạo sẽ phải thiết kế những giải pháp phù hợp để kích thích tinh thần làm việc của nhân viên và cột chặt họ vào doanh nghiệp.
Jack Welch, nhà quản trị nổi tiếng, từng là Tổng giám đốc điều hành và Chủ tịch HĐQT tập đoàn khổng lồ General Electric, từng nói: “Một công ty thành công sẽ không bao giờ để nhân viên của mình ra khỏi cửa chỉ vì ở đó năng lực của họ không được thừa nhận đúng, hay vì lương bổng không thỏa đáng”.
Theo ông, nhà quản trị phải hiểu được điều này và biết cách tôn vinh nhân viên đúng lúc và đúng cách. Khi được biểu dương, hứng khởi ở người nhân viên chắc chắn sẽ tăng lên, làm việc sẽ hăng say hơn để lại được công nhận thành quả trong những lần sau. Bên cạnh việc khen, đừng quên việc thưởng, điều mà chẳng nhân viên nào từ chối.
Ngoài ra, bạn cần hiểu rõ tâm lý muốn học hỏi, nâng cao kiến thức của những nhân viên giỏi. Nếu muốn giữ chân họ, hãy cho họ cơ hội nâng cao bằng cấp, giúp họ thực hiện ước mơ được mở mang kiến thức. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp phải có một chính sách đào tạo nhất quá, xem nó là phần thưởng cho những thành quả trong công việc chứ không phải là sự bù đắp cho thâm niên làm việc.
Không có một chìa khóa vạn năng nào để mở cánh cửa tâm tình của nhân viên. Điều cốt lõi của một nhà quản lý thành công là hãy luôn chân thành, tôn trọng và đánh giá đúng nhân viên. Sự chân thành sẽ mách ta con đường đi đúng đắn nhất.
Theo Jobvn/Unicom