Rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới công sở

Ai cũng đã một thời mài đũng quần trên giảng đường để ra trường với tấm bằng mưu sinh cuộc sống. Việc làm đang là chủ đề nóng nhất trong những ngày hè khi phần lớn sinh viên chuẩn bị ra trường. Quãng đường từ giảng đường tới công sở, sinh viên và doanh nghiệp cần những gì?

Sinh viên ngày nay đã khác những gì mà nhà tuyển dụng và xã hội nhìn nhận về họ, lâu nay chúng ta tư duy theo lối mòn rằng sinh viên đồng nghĩ với học tốt, bằng giỏi và thiếu kiến thức trầm trọng. Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ của lịch sử và sinh viên là đối tượng tích cực nhất với việc phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới. Những người chủ tương lai của đất nước đã và đang làm gì để thu gọn khoảng cách từ ghế giảng đường tới công sở – nơi họ sẽ gắn bó suốt cuộc đời còn lại?
Năng động: Đây là từ cửa miệng của nhiều người khi nói về các hoạt động của sinh viên, một sự thay đổi của thị trường lao động khi mỗi cá nhân đều có những hoạt động tích cực. Sinh viên ngày nay phần lớn ý thức được về cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai, họ đặt ra các mục tiêu phấn đấu và quyết tâm thực hiện nó bằng cách tạo cho mình những công việc thực tế.
Sinh viên bây giờ dành ít thời gian lên giảng đường, thư viện mà dành thời gian để làm các công việc ngoại khóa, tham gia các hoạt động xã hội. Sinh viên tự tổ chức các nhóm làm việc, các câu lạc bộ nghiên cứu, làm việc để hỗ trợ bổ sung kiến thức cho nhau và đặc biệt họ đam mê làm việc thiện. Sinh viên có khả năng tổ chức những chương trình lớn một cách bài bản.
Từ những công việc nhỏ nhất đến lớn nhất, họ đã bắt đầu học được những kiến thức thực tiễn thứ mà giảng đường và giảng viên ít khi đem đến cho họ. Sinh viên đi làm thêm không phải điều xa lạ nhưng giờ đây sinh viên ít khi quan tâm đến những công việc như tiếp thị, gia sư mà họ bắt đầu len lỏi vào những văn phòng từ ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, họ tìm kiếm các cơ hội làm việc đúng chuyên ngành, sở thích, bắt đầu đi lên từ những nhân viên thực tập dần dần họ trưởng thành để rồi đứng vào đội ngũ của doanh nghiệp ngay từ trước khi ra trường.
Học đúng nhu cầu: Chúng ta hàng ngày vẫn than thở trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng đào tạo tại Đại học, phần lớn chỉ đề cập đến trách nhiệm của người làm thầy và người quản lý mà quên đối tượng chính của đào tạo là học sinh, sinh viên. Ngoài giờ học trên giảng đường, nhiều sinh viên thường xuyên lên mạng internet vào các diễn đàn trao đổi học tập, “kiếm” nhưng kiến thức vô cùng hữu ích nhưng ít thấy trên giảng đường.
Sinh viên không học tràn lan các môn học như chính khóa mà tập trung vào một số môn họ coi là thế mạnh của mình, họ cố gắng hoàn thiện kiến thức và kỹ năng. Không ít sinh viên kinh tế có bằng quản trị mạng và các sinh viên kỹ thuật có khả năng làm marketing giỏi hơn một sinh viên đào tạo bài bản.
Hoài bão, khát vọng: Hàng năm xã hội đào tạo ra khoảng 50.000 cử nhân, kỹ sư trên tất cả các lĩnh vực, họ đang bổ sung vào đội ngũ nhân lực của nền kinh tế bằng những niềm đam mê hoài bão trong cuộc sống.
Các doanh nghiệp tư duy rằng sinh viên cần một công việc để sống mà quên mất những ước mơ của sinh viên. Một vị trí làm việc không phù hợp sẽ nhanh chóng thui chột những tài năng, những hoài bão của giới trẻ.
Sinh viên luôn giàu ý tưởng, hoài bão và muốn biến những ý tưởng trở thành hiện thực, bản thân nhà tuyển dụng thường đưa ra những câu hỏi về ước muốn của lao động trẻ và luôn đi từ bất ngờ tới thán phục sự sáng tạo của sinh viên. Môi trường đào tạo đã bó buộc khả năng sáng tạo và tư duy của sinh viên, nếu doanh nghiệp nhà nước và tư nhân không thể giúp họ phát huy được khả năng, sự lựa chọn hàng đầu của các sinh viên sẽ là các công ty nước ngoài. Chúng ta đánh mất nhân tài chỉ vì những lý do đơn giản nhất.
Thay vì chuẩn bị những bài test, những câu hỏi trắc nghiệm phức tạp, hãy cho sinh viên cơ hội chứng tỏ mình từ những công việc đơn giản nhất và có thể uốn nắn, đào tạo họ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hãy tích cực hơn để thu hẹp khoảng cách giữa giảng đường và công sở.

Theo Saga.vn