Bạn đã đọc nhiều bài viết hướng dẫn thủ thuật đàm phán lương, yêu cầu được tăng lương,… Nhưng bạn lại chưa biết trong những buổi đàm phán đó, bạn không nên làm gì.
Đừng cáu giận và cạnh khóe
Có một ranh giới mong manh giữa sự tự tin và sự tự phụ, kiêu căng và chắc chắn bạn không muốn mình vượt quá ranh giới đó. Dù bạn cảm thấy mình xứng đáng thế nào đi nữa, hãy nhớ rằng trong công ty không thiếu người như bạn.
Đừng tỏ ra nóng giận vô lối khi thấy sếp đánh giá bạn không cao. Cũng đừng cạnh khóe bằng những lời “kim châm”, kiểu như: “Tôi đóng góp thế ông còn thấy chưa đủ sao”.
Đừng tỏ ra đáng thương
Đừng nghĩ rằng hình ảnh đáng thương hại của bạn sẽ khiến sếp phải tăng lương cho bạn, giống như người lớn bắt buộc phải mua quà cho một đứa trẻ hay mè nheo. Đừng khiến sếp phải cảm thấy khó xử khi không thể gật đầu tăng lương cho một nhân viên khốn khổ, nước mắt ngắn dài, đang ôn nghèo kể khổ trước mặt ông ta. Sếp chắc chắn sẽ không đồng ý tăng lương. Và ông ta chắc chắn cũng cảm thấy coi thường bạn.
Đừng ghen tỵ với mức lương của đồng nghiệp
Những câu đại loại như: “Sao cô A cũng làm như tôi mà lương cao gấp đôi tôi?”, hay “Lương của tôi chỉ nhỉnh hơn lương cô B tạp vụ chút xíu” không mang lại hiệu quả. Sẽ thật sai lầm nếu bạn cho rằng sự ghen tỵ của bạn sẽ khiến sếp giật mình và điều chỉnh mức lương cho bạn ngay lập tức. Các nhà quản lý chỉ trả lương dựa trên năng lực cá nhân của mỗi người, họ không quan tâm đến sự khập khiễng giữa những mức lương.
Đừng doạ thôi việc
Nếu bạn đang phải nghĩ cách đòi tăng lương, nghĩa là bạn chưa phải là tài sản quý của sếp. Vì thế, sự ra đi của bạn chưa chắc đã khiến sếp tiếc nuối. Vì thế, đừng nói những câu ngớ ngẩn “Nếu không được tăng lương, tôi sẽ chuyển sang công ty X, bên đó họ đang mời chào tôi với một mức lương hấp dẫn”.
Lời dọa dẫm này của bạn khiến sếp bực mình vì hai lẽ: Một – bạn đang gây sức ép với ông ấy. Hai – bạn là kẻ chỉ biết làm việc vì tiền, sẵn sàng rời bỏ công ty để chạy sang phía công ty đối thủ.
Theo MarketWatch