Đón đầu và hy vọng tương lai của thị trường bất động sản

Các nhà đầu tư thứ cấp thậm chí còn rao giá thấp hơn mức giá do chủ đầu tư đưa ra nhằm cắt lỗ, dù biết rằng đó là việc cực khó trong hoàn cảnh hiện tại…

Nhìn lại để tái cơ cấu

Không cần là chuyên gia kinh tế cũng có thể nhận định rằng thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn trong một vài năm nữa, cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong bối cảnh ảm đạm chung của kinh tế thế giới. Và cũng như nhiều lĩnh vực khác, những khó khăn, thách thức luôn đi kèm với cơ hội.

Với ngành bất động sản, cơ hội đó là các doanh nghiệp có thời gian nhìn lại thị trường, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình, từ đó đề ra chiến lược mới giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển. Trên bình diện toàn ngành, sự suy thoái của thị trường địa ốc cũng giúp sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém, đầu tư ngoài ngành, làm ăn chụp giựt ra khỏi lĩnh vực đặc biệt này.
Quả bóng bất động sản phình to vào những năm 2007-2008, khi ai nấy đều lạc quan với sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung, thị trường địa ốc nói riêng. Bất cứ dự án nào được cấp phép, mở bán đều được các nhà đầu tư thứ cấp săn lùng, không cần quan tâm dự án ấy bao lâu mới hoàn thành, uy tín tài chính và xây dựng của nhà đầu tư ra sao. Nay thì thị trường đã bất động, các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư tìm cách đào thoát khỏi cuộc chơi, giá căn hộ, đất nền liên tục hạ xuống, bong bóng bất động sản thực sự xì hơi.

Có thể nói chính doanh nghiệp đã gây ra tình trạng bong bóng này, một phần nhờ được các nhà đầu tư thứ cấp tiếp tay, và nay doanh nghiệp phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khi thị trường đóng băng. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng và tình trạng thị trường chủ yếu dành cho đầu cơ chứ không dành cho người có nhu cầu thực khiến cho việc mất cân đối cung – cầu ngày càng trầm trọng. Căn hộ diện tích lớn giá cao được xây nhiều thì người mua ít, ngược lại căn hộ diện tích trung bình và nhỏ giá rẻ được người mua chấp nhận thì lại không có nhiều.

Trong bối cảnh đó, không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình, tái cơ cấu nguồn lực – nhân lực và tài chính, để cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, hướng tới sựổn định trong một tương lai dài hạn. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đang thiếu vốn trầm trọng, nhiều đơn vị báo cáo lỗ hàng trăm tỉ đồng, nên làm sao để huy động được vốn là điều mà các doanh nghiệp luôn trăn trở.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết là để tồn tại, sau là nhằm phát triển khi thị trường hồi phục, các doanh nghiệp phải triển khai nhiều giải pháp tìm nguồn vốn. Có thể là việc mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư tư nhân, tìm kiếm đối tác chiến lược, huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…

Và chờ đợi ở tương lai xa

Theo những cuộc khảo sát gần đây, đa số “người trong cuộc”, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước, tỏ ra không mấy lạc quan khi nói về đà phục hồi của thị trường trong năm tới. Tuy nhiên, một số dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài lại chấp nhận thử thách để đầu tư giữa lúc khó khăn nhất, nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường.

Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản và Becamex IDC của Việt Nam đã khởi công dự án Sora Gardens I, một trong ba khu căn hộ cao tầng nằm trong tổng thể dự án Sora Gardens 110ha tại thành phố mới Bình Dương, với tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỉ USD. Khu căn hộ cao tầng này sẽ cung cấp khu thương mại và hơn 400 căn hộ diện tích 70 – 100m2.

Chủ đầu tư phía nước ngoài cho biết các khâu chuẩn bị cho dự án đã sẵn sàng, ngoài nguồn vốn tự có, dự án còn có sự hỗ trợ từ các ngân hàng Nhật Bản. Phía đối tác Việt Nam cho biết nếu chỉ đơn thuần dựa vào nguồn lực trong nước thì sẽ rất khó để triển khai các dự án có quy mô lớn trong điều kiện hiện nay, bởi sự hỗ trợ của các ngân hàng trong nước là không đáng kể.

Nhà đầu tư tin rằng với sự phát triển của các khu công nghiệp và một thành phố mới hiện đại trong tương lai thì nhu cầu và sức mua bất động sản ở Bình Dương là lớn. Được biết toàn bộ 110ha của dự án sẽ được triển khai trong mười năm, riêng khu Sora Gardens I khánh thành vào quý IV-2014, dự kiến mở bán trong quý IV-2013.

Cùng với Sora Gardens, một số dự án khu đô thị có quy mô lớn khác tại TP.HCM và các vùng lân cận cũng có dấu hiệu sẽ tiếp tục trong thời gian tới, như dự án khu đô thị Đại học quốc tế tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) do Công ty Bejaya Việt Nam (Malaysia) làm chủ đầu tư, với quy mô trên 600ha, vốn đăng ký 900 triệu USD.

Tại Đồng Nai, dự án khu đô thị Long Hưng với quy mô 227ha cũng đang trong quá trình xây dựng, nguồn vốn giải ngân cho dự án trên 40 triệu USD dành cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng… Ngay từ cuối năm nay, chủ đầu tư sẽ bàn giao 500 căn hộ tái định cư, sang năm tiếp tục đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ, chủ yếu dành cho cư dân địa phương với giá trị mỗi căn từ 150 triệu đồng trở lên. 
Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ đưa một số đất nền biệt thự (giáp sân golf Long Thành) để thăm dò phản ứng của thị trường. Mục đích của việc khởi động dự án này là để cung cấp các sản phẩm có giá trị sinh lợi cao khi đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây hoàn thành việc đấu nối, dự kiến vào năm 2013.

Bên cạnh việc đón đầu thị trường của các dự án lớn, thì các ban ngành chức năng cũng đã nhìn ra vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản và cũng từng bước đề ra những giải pháp. Đó có thể là những cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp, bên cạnh những chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại giá rẻ…

Tuy nhiên, thị trường đòi hỏi các ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, như phải có một cuộc tổng rà soát lại tất cả các dự án, tiến hành tạm đình chỉ, hoãn và rút giấy phép của một số dự án không đủ điều kiện, để chỉ còn những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự. Được vậy thì thị trường bất động sản hy vọng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn trong trung và dài hạn.

Theo kienthuckinhte