Đứng lên sau thất bại

Một trận lũ, một vụ cháy hoặc một thảm họa tự nhiên bất kỳ có thể làm tiêu tan mọi thứ mà bạn đã dày công gây dựng. Rõ ràng việc tiếp tục công việc kinh doanh là vô cùng khó khăn, nhưng không phải là không thể.

Giữ liên lạc
Đó là bước đầu tiên mà Jim Anderson, chủ tịch kiêm CEO của công ty sản xuất tủ đựng đồ Republic Storage Systems tại Ohio, Hoa kỳ, đã thực hiện sau khi công ty này bị thiệt hại 11 triệu USD khi lũ tràn qua, phá hủy hết cơ sở vật chất của công ty vào tháng 7 năm 2003.
Qua điện thoại và nhờ một phần đặc biệt trên trang web của công ty, ông đã gửi những thông tin cập nhật nhất về quá trình phục hồi tới gần 450 nhân viên và khách hàng.
Nếu nhân viên không thể biết được tình hình hiện tại của công ty, họ có thể hoang mang và bỏ việc. Khách hàng nếu không được thấy sự hồi phục của công ty cũng sẽ chuyển sang mua hàng của người khác.
“Chìa khóa là phải đúng thời gian và thành thực”, Anderson nói.
Tiến bằng những bước nhỏ
Công ty The Magros đã sử dụng đội ngũ tình nguyện giúp thu hồi bất kỳ thứ gì có thể từ cơ sở bán pizza đổ nát: dùng khoản tiền dự trữ riêng, vay mượn từ người thân và trong vòng ba tuần họ đã chuyển tới một địa điểm tạm thời nhỏ hơn nhiều.
“Vào lúc đó, chúng tôi chẳng còn gì” – Toni Magro nói. Một cửa hàng nhỏ thôi cũng giúp đồng tiền lưu thông, đó là điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp. Ít nhất nó cũng giúp khách hàng thấy rằng doanh nghiệp đó vẫn còn tồn tại trên thị trường chứ không phải biến mất hoàn toàn.
Công ty The Magros đã duy trì hoạt động của cửa hàng nhỏ trong 3 tháng kể từ sau vụ cháy. Họ cần có thời gian để hồi lại vốn và tìm kiếm một địa điểm mới thích hợp hơn, rộng rãi hơn.
Suy nghĩ thực tế
Anderson nói rằng có lẽ sai lầm lớn nhất của ông là đã nghĩ rằng quá trình hồi phục sẽ diễn ra nhanh hơn. Khi khách hàng mong đợi và thất vọng, họ càng trở nên bực tức. Sau năm tuần, công ty đã không thể trụ thêm được nữa, và dĩ nhiên là không thể giữ được khách hàng. Là người chịu trách nhiệm tối cao, Anderson nghĩ rằng cần phải gặp trực tiếp khách hàng và giải thích.
“Đừng sợ phải gọi điện cho bất kỳ ai”, ông nói.
Vợ chồng Susan và Sherman Goldstein, chủ một khách sạn nhỏ bị hư hỏng sau một vụ cháy, phải đối mặt với thực tế đầy cam go như nhiều doanh nhân khác. Họ thiếu phương tiện để hỗ trợ hơn 60 nhân viên của mình.
“Hai tuần đầu, chúng tôi có ý tưởng lãng mạn rằng mình sẽ tiếp tục nuôi họ”, Susan Goldstein nói, “và chúng tôi nhận ra rằng mình không thể làm được điều đó.”
Dù rất đau đớn nhưng việc để nhân viên ra đi là bước cần thiết trong quá trình tái lập công ty. Trong trường hợp của Goldstein, cũng như nhiều người khác, một số nhân viên sẽ quay trở lại khi khách sạn tái sinh.
“Khi cuộc sống cho bạn quả chanh, hãy làm nước chanh” – Susan Goldstein đã treo câu nói có vẻ sáo rỗng này trước cửa quán trọ bị hư hỏng của mình như một lời tuyên bố với khách hàng rằng mình sẽ hồi phục. Họ bắt đầu gây dựng lại một khách sạn mới cao cấp. Và chẳng mấy chốc, khu trọ mới mang tên Mansion House đã không còn chỗ trống.
“Tôi chưa bao giờ có được động lực như thế trước đây. Ngọn lửa thật khủng khiếp, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn”, Susan Goldstein vui vẻ nói.

Theo BusinessWeek