Biết ngoại ngữ là lợi thế

Hiện nay, tại các trung tâm ngoại ngữ, số học viên theo học là những người đang có công việc ổn định chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Theo các học viên, có việc rồi họ vẫn phải đi học vì ngoại ngữ đang dần trở thành một yêu cầu tất yếu. Khi biết ngoại ngữ, họ sẽ “được” rất nhiều trong công việc.

Thiếu ngoại ngữ = tự đào thải
Qua yêu cầu tuyển dụng của các công ty, dễ thấy khả năng ngoại ngữ luôn được chú ý và “chăm sóc” khá kỹ. Chẳng hạn như ứng viên phải nói, viết thông thạo một ngoại ngữ bất kỳ. Đặc biệt với những công việc được đánh giá “hot” như an ninh mạng, giao dịch chứng khoán hay thiết kế website… thì trình độ ngoại ngữ là một trong những tiêu chí hàng đầu.
Bà Phan Thị Thu Hương – Phó Tổng giám đốc Hành chính nhân sự Công ty Thiên Long – khẳng định hiện nay, một số nhà tuyển dụng xem khả năng ngoại ngữ là tiêu chí đầu tiên để sàng lọc ứng viên.
“Những nhân viên kỳ cựu nếu không có ngoại ngữ thì sớm muộn gì cũng tự đào thải” – chị Minh Thiên, Phó Phòng thiết kế 42 tuổi, cho biết. Cũng theo chị thì “ngày nay ngoại ngữ như được phổ cập nên dù mình có kinh nghiệm cũng chưa hẳn chiếm ưu thế tuyệt đối so với các bạn trẻ” và tất yếu “sống được trong thời công nghệ số thì ngoại ngữ không thể dừng ở mức vốn lận lưng”.
Hay như anh Luân (đang theo học tiếng Nhật tại Trung tâm Ngoại ngữ Thành đoàn) tâm sự: “Tài liệu mà mình tham khảo phần lớn là tiếng Nhật nên không biết ngoại ngữ xem như tự hạn chế mình với việc tiếp cận thông tin”. Anh bảo nếu biết ngoại ngữ sẽ linh động hơn trong công việc, tiết kiệm được cả thời gian lẫn chi phí thuê dịch.
Nói về nhu cầu học ngoại ngữ, một giám đốc công ty quảng cáo thừa nhận rằng “để kiểm tra sự chính xác trong những yêu cầu đặt hàng, tôi buộc phải tự đầu tư và trang bị vốn ngoại ngữ bằng cách đến trung tâm, hoặc tự học qua băng đĩa và từ chính công việc. Nếu đối tác là người ngoại quốc thì không gì tốt bằng mình trực tiếp trao đổi.
Với đội ngũ nhân viên làm việc trong các công ty có ông chủ là người nước ngoài thì khả năng ngoại ngữ là điều bắt buộc. Chị Nguyễn Thị Trinh (chuyền trưởng một công ty may của Hàn Quốc) khẳng định: “Giỏi chuyên môn cùng với khả năng ngoại ngữ vững thì giá trị của nhân viên đó càng được tăng lên”. Vì vậy, chị đều đặn theo học các khoá tiếng Hàn về giao tiếp tại trung tâm. Còn chị Ngọc Ánh, kế toán Công ty Hoàng Hoa – Q.Tân Bình, TPHCM, đã sắp xếp thời gian theo học thêm tiếng Anh để “khớp với vốn ngoại ngữ của cấp dưới” và nhất là “học để còn biết mà trả lời con”.
“Cơ hội và sự tự tin”
B.Ngọc – một nhân viên thiết kế – tự tin nói sau hơn hai năm làm việc. Sở dĩ như thế bởi nhờ vốn tiếng Anh khá chuẩn mà cô đã xin được vào làm việc cho một công ty nước ngoài, với mức lương mơ ước, không mấy khó khăn. Không những thế, Ngọc còn được người điều hành trực tiếp đánh giá cao qua những cuộc tranh luận bằng chính ngôn ngữ của họ. Năng lực được thừa nhận thì hiển nhiên thu nhập của cô cũng hơn hẳn so với đồng nghiệp cùng vị trí.
Hay như Ngọc Quyên học ngành du lịch nhưng nhờ khiếu ngoại ngữ cô đã thành công trong vị trí quản lý nhà hàng của người nước ngoài. Với năng lực thể hiện qua quá trình làm việc và khả năng “nói như Tây” mà Quyên được nhân viên cấp dưới nể phục còn ông chủ thì không ngại tăng lương, ưu đãi để giữ chân.
Còn với Lan Anh hiện đang học lớp tiếng Anh nghe nói tại Nhà văn hoá Thanh Niên thì: “Thời của mình đã qua nên để không lạc hậu thì phải học ngoại ngữ. Hơn nữa, kiến thức được nâng tầm cho công việc từ tài liệu tiếng nước ngoài khá phong phú nên chỉ biết tiếng mới mong hiểu được”. Tại công ty chị, nhân viên biết ngoại ngữ luôn được trả mức lương cao hơn những người khác cùng vị trí.
Ưu thế từ ngoại ngữ cùng với kinh nghiệm làm việc khá vững chính là cơ sở để anh Nhựt, một kỹ sư phần mềm không hề “ngán” khi quyết định chuyển sang đầu quân cho một công ty nước ngoài. Và mức lương mỗi tháng anh nhận được khi chuyển sang công ty mới lên đến gần một nghìn đô.
Anh Luân chia sẻ thêm: “Nhờ có ngoại ngữ mà tôi có nhiều cơ hội được đi công tác nước ngoài khi công ty có việc”.

Theo Kiemviec/LĐ