Đó là khẳng định của đại diện Công ty Cổ phần MISA (MISA) tại buổi làm việc giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình về việc đổi mới, sáng tạo, thu hút đầu tư để Ninh Bình trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo diễn ra ngày 29/2/2024.
Buổi làm việc được đồng chủ trì bởi đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT và đồng chí Đoàn Minh Huấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đồng chủ trì. Cùng dự còn có đồng chí Mai Văn Tuất – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; đại biểu lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan của tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT.
Phần lớn thời gian của buổi làm việc diễn ra theo phương thức trao đổi, giải đáp những băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về định hướng phát triển địa phương…Đề cập đến khát vọng đưa Ninh Bình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khoa học – công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, ngày nay khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay kinh tế tri thức chủ yếu xoay quanh công nghệ số, chuyển đổi số. Trong đó, đổi mới sáng tạo chính là phải thay đổi cách vận hành, kinh doanh và quản trị bằng công nghệ số.
Trên tinh thần chỉ đạo đó của Bộ trưởng, đại diện MISA, Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy đã phát biểu đóng góp một số giải pháp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình tăng cường đổi mới sáng tạo, cải tiến phương thức vận hành để nâng cao hiệu suất hoạt động. Theo Tổng Giám đốc, trước hết, tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn. Mặt khác, để nâng cao nhận thức số và kỹ năng số cho người dân, tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ trong việc truyền thông, tập huấn và đào tạo cho người dân về cách thức ứng dụng các giải pháp, nền tảng số trong thực tiễn.
“Với 30 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp số, MISA hoàn toàn có đủ nguồn lực và năng lực để đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình trong hành trình kiến tạo, phát triển trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khoa học – công nghệ của quốc gia”, bà Đinh Thị Thúy khẳng định.
Theo đó, MISA sẵn sàng triển khai một số giải pháp số miễn phí như Sổ Thu chi MISA, Chữ ký số từ xa MISA eSign cho người dân tỉnh Ninh Bình để thúc đẩy công dân số, xã hội số cho toàn tỉnh. Đặc biệt, vừa qua MISA đã tích cực phối hợp cùng Ban chỉ đạo chuyển đổi số và đội ngũ Công an tỉnh để giới thiệu, triển khai Sổ Thu chi MISA, Chữ ký số từ xa MISA eSign cho hơn 8.400 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, hơn 1.600 thành viên Tổ triển khai đề án 06 của tỉnh. Bên cạnh đó, MISA cũng đã triển khai giải pháp số cho 1.500 các doanh nghiệp, chiếm khoảng gần 30% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế số của Ninh Bình.
Những đóng góp và cam kết của MISA trong việc đồng hành chuyển đổi số cùng tỉnh Ninh Bình đã góp phần gợi mở ra các định hướng lớn để tỉnh xây dựng một chương trình hành động chi tiết về phát triển địa phương. Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo từ Bộ TT&TT, MISA kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ Ninh Bình chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực, quy mô, ngành nghề, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khoa học – công nghệ của quốc gia.