Khi nói đến ngày đầu nhận nhân viên thử việc, thì bạn thường nghĩ ngay đến một tập hồ sơ dày giải thích quyền lợi và miêu tả các khóa huấn luyện. Tuy nhiên, có nhiều cách thú vị hơn để chào đón thành viên mới.
Tổ chức tiệc mừng
Tại công ty CityMax.com, chuyên về dịch vụ tự tạo website ở Vancouver, British Columbia, mọi nhân viên mới bắt đầu ngày thử việc đầu tiên vào thứ Sáu. Bởi vì đó là ngày công việc bớt căng thẳng nhất tuần và mọi người có thời gian làm quen, tự giới thiệu…
Nhân viên cũ thổi bong bóng, giăng biểu ngữ và viết thiệp chào mừng người mới. Đến giờ nghỉ trưa thì người mới được yêu cầu kể một câu chuyện mắc cỡ về mình. Nhờ thế, “Mọi người sẽ nhanh chóng hiểu hơn về đồng nghiệp mới”, nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Dean Gagnon tin tưởng.
Thử thách dũng khí
Trước khi ngồi lên xe tải vận chuyển hàng của công ty chuyên vận chuyển Gentle Giant Moving tại Somerville, Massachusetts, thì hầu hết nhân viên phải chạy bộ trên cầu thang sân vận động Harvard.
Truyền thống này được bắt đầu một cách không chính thức từ những năm 1980, khi CEO Larry O’Toole thuê nhân viên là thành viên câu lạc bộ chèo thuyền của trường đại học, những anh bạn trẻ thích rèn luyện sức khỏe trên cầu thang sân vận động… Đến đầu những năm 1990, thì O’Toole chính thức hóa việc chạy trên bậc thang như là nghi thức để thử thách dũng khí của nhân viên mới. Ý nghĩa gửi gắm vào đó là sự kỳ vọng mọi người không ngừng phấn đấu.
Ngay cả những nhân viên văn phòng cũng được đề nghị tham gia thử thách. O’Toole cho biết: “Khi làm nghề vận tải, có nhiều vấn đề phát sinh không đoán trước được. Và tôi muốn tuyển những người không bao giờ chùn bước”.
Khuyến khích thành công
Người mới của công ty Foot Levelers, chuyên về sản phẩm chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương, được xem phim “Rudy”, một bộ phim thể thao về cầu thủ Rudy kiên cường theo đuổi giấc mơ.
CEO Kent Greenawalt yêu cầu nhân viên mới phát biểu cảm nghĩ sau khi xem phim rồi phát cho họ tờ giấy liệt kê những nhân tố thúc đẩy thành công của Rudy là: tập trung, hành động có tình cảm, kiên cường theo đuổi mục tiêu, hoàn thành những gì mình đã bắt đầu thực hiện.
Greenawalt ước tính rằng nhiều trăm nhân viên đến thử việc tại Foot Levelers trong 15 năm qua đã xem Rudy. Anh cho biết: “Bộ phim lay động lòng người. Và tôi đã quyết định rằng nhân vật Rudy của phim là tuýp người tôi muốn thuê vào làm cho công ty”.
Lợi dụng sức mạnh đồng tiền
Sau khi kết thúc khoảng thời gian thử việc, công ty Zappos sẽ trả cho người thử việc 2.000 USD nếu họ đồng ý bỏ việc.
CEO Tony Hsieh bắt đầu thực thi tập tục lạ đời này từ năm 2005. Anh giải thích ý nghĩa của việc làm đó là: “Trả tiền để những người không đủ năng lực và nhiệt huyết tự rời bỏ công ty, để nhường chỗ cho người khác. Và như vậy, những người từ chối món tiền mà ở lại sẽ cam kết cống hiến cho Zappos. Năm 2007, 3% nhân viên nhận món tiền và rời bỏ công ty, nhưng đến năm 2008 thì chỉ còn 1%”.
Thành lập CLB Văn hóa
Những nhân viên thử việc tại Beryl Companies bỏ ra nhiều ngày để học văn hóa doanh nghiệp bằng những cách thức lý thú và đầy sáng tạo.
CEO Paul Speigelman kể: “Những nhân viên thử việc bỏ ra một ngày rưỡi với Nữ hoàng Nụ cười của công ty là Lara Morrow để học về thương hiệu Beryl, về tất cả những chương trình và hoạt động văn hóa, làm thế nào để tham gia, làm thế nào để phát triển sự nghiệp, chia sẻ quan niệm và quan trọng nhất là làm thế nào để họ được tuyển dụng chính thức, điều gì khiến họ đặc biệt và độc đáo nổi bật”.
Theo DNSG