Sáng ngày 24/5/2023, tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023 (Vietnam – ASIA DX Summit 2023) với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, MISA đã có phần chia sẻ nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, cơ quan thông tấn báo chí về vấn đề kết nối và liên thông dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước.
Chương trình Vietnam – ASIA DX Summit 2023 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cùng đại diện Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: “Chuyển đổi số không thể một người làm được, Chuyển đổi số không thể một tổ chức làm được, chuyển đổi số không thể một nước, một chính phủ làm được. Mà chuyển đổi số, tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì chúng ta mới có tài nguyên số. Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là một nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ mà thế giới đã và đang tạo lập và khai thác. Đó là 1 nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá”.
Trong khuôn khổ phiên khai mạc, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA Lê Hồng Quang đã có bài chia sẻ về tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc kết nối và liên thông dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Từ đó, đưa ra để xuất về kết nối và khai thác dữ liệu nhằm mang lại giá trị thiết thực cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng cơ sở dữ liệu là trách nhiệm chung của Nhà nước và cả doanh nghiệp
Theo đó, trên thực tế hiện nay, khi nhắc đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) thì trách nhiệm chính đang thuộc về các Bộ, ngành trong việc tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của một cơ sở dữ liệu quốc gia chính là dữ liệu. Những dữ liệu này có phần được quản lý bởi cơ quan Nhà nước và cũng có những dữ liệu do các tổ chức, doanh nghiệp chủ động quản lý.
Để có được dữ liệu đầy đủ nhất thì cần có sự chung tay đóng góp của cả 3 bên bao gồm: đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu, đơn vị trung gian kết nối và đơn vị đóng góp dữ liệu. Đồng thời, cả 3 đơn vị này phải được kết nối với nhau.
Đối với các đơn vị tham gia kết nối và đóng góp dữ liệu cũng cần có sự đa dạng để có thể bổ sung vào CSDLQG những dữ liệu được tập hợp từ nhiều lĩnh vực, nhiều tổ chức, đơn vị nhằm đáp ứng việc khai thác, phục vụ hiệu quả tiến trình chuyển đổi số toàn diện ở cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Dữ liệu chỉ thực sự có giá trị khi được khai thác
Phân tích về giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia, ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh, dữ liệu chỉ thật sự có giá trị khi cả Chính phủ, người dân, doanh nghiệp đều có thể khai thác và thụ hưởng lợi ích từ dữ liệu đó. Đặc biệt, nếu dữ liệu được mở cho doanh nghiệp khai thác sẽ đem đến nhiều dịch vụ hữu ích phục vụ người dân, phục vụ các cơ quan Nhà nước.
Ví dụ ở lĩnh vực bảo hiểm, nếu có một cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông, doanh nghiệp thuộc ngành bảo hiểm được phép tiếp cận và truy cập để kiểm tra được lịch sử của phương tiện và chủ phương tiện có thường hay xảy ra tai nạn hay không để từ đó đưa ra mức phí bảo hiểm phù hợp.
Hoặc ví dụ ở lĩnh vực ngân hàng, với việc vay tín chấp, nếu không có cở dữ liệu về tài chính, tất cả các đối tượng đến vay ngân hàng đều có cơ hội và rủi ro ngang nhau. Tuy nhiên, nếu có cơ sở dữ liệu tài chính và ngân hàng được phép truy cập thì ngân hàng sẽ dễ dàng đánh giá được lịch sử vay, độ minh bạch tài chính, tiềm lực của từng đối tượng vay, từ đó đánh giá được đối tượng nào nên cho vay, duyệt cho vay nhanh hơn, hạn mức phù hợp hơn, giảm tỷ lệ rủi ro khi có thể lọc bớt những đối tượng có lịch sử nợ xấu. Đối với người đi vay, cơ sở dữ liệu tài chính là căn cứ để chứng minh sự minh bạch tài chính, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, báo cáo tài chính và dễ dàng nhận được khoản vay phù hợp từ ngân hàng một cách nhanh chóng hơn.
Giá trị của cơ sở dữ liệu đã được nhiều Bộ, ngành coi trọng, quan tâm xây dựng và đưa vào triển khai, cho phép doanh nghiệp kết nối, người dân khai thác để thực hiện chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận hành.
Điển hình là việc Tổng cục thuế cho phép các nhà cung cấp hoá đơn điện tử kết nối để cung cấp dịch vụ kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa vào vận hành CSDL ngành giáo dục nhằm cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin phục vụ quản lý trong ngành. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhu cầu kết nối của doanh nghiệp chưa được giải quyết, một số CSDL bị độc quyền kết nối gây khó khăn cho đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như khiến CSDL kém phong phú, đa dạng.
Đề xuất kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia giữa Nhà nước và doanh nghiệp
Để góp phần cải thiện hiện trạng này, MISA đề xuất Chính phủ, Bộ, ban, ngành cho phép doanh nghiệp công nghệ được kết nối vào CSDLQG trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí do cơ quan quản lý công bố, đồng thời cho phép doanh nghiệp, người dân đóng góp và khai thác dữ liệu để thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành, thủ tục hành chính và các lĩnh vực xoay quanh đời sống. Bên cạnh đó, cần tránh độc quyền kết nối để đảm bảo CSDLQG phong phú và phát huy được giá trị tối đa nhất cho cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ở góc độ là một đơn vị trung gian kết nối giúp các cá nhân, tổ chức đóng góp dữ liệu vào CSDLQG, MISA đã phát triển một số nền tảng số hỗ trợ đắc lực cho việc kết nối dữ liệu giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp như: Nền tảng quản lý cán bộ MISA QLCB đồng hành cùng Sở Nội vụ – Tỉnh Bình Thuận hoàn tất việc cập nhật hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, MISA sẵn lòng đồng hành, chung tay cùng cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân xây dựng, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu đề phục vụ thiết thực cho tiền trình chuyển đổi số. Dữ liệu được xây dựng và khai thác đúng cách sẽ thực sự là tài nguyên, là “mỏ vàng” quý giá tạo động lực phát triển một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.