Chiều 18/3/2023, Tổng Giám đốc MISA Đinh Thị Thúy đã tham dự buổi Tọa đàm cựu sinh viên về định hướng phát triển Học viện Tài chính. Chương trình do Học viện Tài chính tổ chức nhận dịp kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển trường.
Dự buổi tọa đàm, về phía khách mời có GS.TS.NGƯT Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; các Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương là các cựu sinh viên Học viện Tài chính qua các thời kỳ.
Về phía Học viện Tài chính có PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; đại diện giảng viên và sinh viên đang công tác và học tập tại Học viện; nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Tài chính qua các thời kỳ.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, giao thoa giữa tài chính và công nghệ thì những bài giảng, bài toán quản trị cũng cần được cập nhật, thay đổi. Trong kỷ nguyên số, nhiều nội dung phải thay đổi, công nghệ cho phép thay đổi công nghệ đào tạo, thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo. Thời đại thay đổi chúng ta phải thích ứng từ đó thiết kế ngành nghề chương trình phù hợp với định hướng phát triển, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thời đại công nghệ số, chúng ta có thể lạc quan, bởi công nghệ có thể đưa những nước có trình độ khác nhau về cùng một điểm xuất phát và các trường khác nhau về cùng 1 điểm xuất phát. Tương lai không phải là một đường kéo dài của quá khứ mà là sự phát triển, nhảy vọt, đột phát, đây là cơ hội của chúng ta, Chủ tịch Quốc hội nói. Vì vậy, mỗi thành viên trong hệ sinh thái của trường phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, tận dụng công nghệ biến bất lợi thành lợi thế.
Trước những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ở góc độ là một cựu sinh viên của Học viện Tài chính, Tổng Giám đốc MISA Đinh Thị Thúy đóng góp ý kiến chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tạo nên những thay đổi đột phá.
Theo bà Đinh Thị Thúy, MISA là một đơn vị luôn tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0 để tạo nên các phần mềm giúp khách hàng thay đổi phương thức làm việc, nâng cao năng suất và chất lượng, mang lại những giá trị hữu ích cho công đồng. Điển hình là nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP và nền tảng kết nối vay vốn tín chấp MISA Lending.
MISA ASP là nền tảng kết nối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh có nhu cầu thuê kế toán với các đơn vị kế toán dịch vụ, đại lý thuế trên cả nước. Với nền tảng này, tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu thuê kế toán có thể tìm kiếm đơn vị kế toán phù hợp với nhu cầu một cách nhanh chóng, tiện lợi, giống như là Uber, Grab.
“MISA không xây dựng đội ngũ kế toán mà xây dựng một nền tảng kết nối, các kế toán dịch vụ có thể sử dụng phần mềm kế toán của MISA để phục vụ cho hàng trăm doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực đội ngũ và giải quyết bài toán mà chính phủ đặt ra là 5 triệu hộ kinh doanh có thể phát triển thành doanh nghiệp. Đó là cách MISA ASP tạo nên sử thay đổi cho ngành kế toán và góp phần vào sự phát triển của đất nước”, Tổng Giám đốc MISA nhấn mạnh.
Tương tự, với nền tảng MISA Lending, MISA kết nổi các tổ chức tín dụng, ngân hàng như Techcombank, Standard Chartered Bank, MSB,…với các doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử của MISA mà có nhu cầu vay vốn.
“Tất cả các khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử của MISA đồng ý tham gia nền tảng, sẵn sàng cung cấp chỉ số tài chính thông qua nền tảng MISA Lending cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã được ngân hàng giải ngân rất nhanh chóng. Bình thường 100 doanh nghiệp vay tín chấp thì ngân hàng chỉ phê duyệt khoảng 3 doanh nghiệp. Tuy nhiên MISA đã chứng minh thực tế khi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào nền tảng MISA Lending thì trung bình 100 đơn nộp hồ sơ vay vốn có đến 25% trong đó được ngân hàng phê duyệt. Điều này cho thấy các giải pháp công nghệ làm của MISA thực sự thành công và mang đến những thay đổi lớn như thế nào”, bà Đinh Thị Thúy phân tích.
Các sản phẩm của MISA hiện đang phục vụ 350.000 khách hàng trên cả nước bao gồm 10.000/11.000 xã phường, 55.000 đơn vị HCSN, 30.000 trường học, 250.000 doanh nghiệp và hơn 20.000 hộ kinh doanh trên toàn quốc.
Chia sẻ về chiến lược phát triển Học viện Tài chính trong những năm tới, Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy bày tỏ mong muốn có nhiều chương trình phối hợp giữa MISA và Nhà trường. Qua đó, MISA sẽ cử chuyên gia đến trao đổi, chia sẻ với cán bộ, giáo viên của trường để có thể nắm bắt xu hướng mới trong thời gian tới. Từ đó có thể thay đổi các chương trình, cách thức đào tạo sinh viên nhằm giúp các bạn trẻ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Trong hành trình này, MISA cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Học viện Tài chính ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ vào quá trình giảng dạy cho sinh viên Nhà trường, góp phần tạo nên những thay đổi đột phá.