Khi đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao, các doanh nghiệp thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giữa phương pháp tuyển dụng nội bộ và phương pháp tuyển dụng từ bên ngoài. Chính bởi vì vai trò của những vị trí trên là hết sức quan trọng nên tổ chức cần những ứng viên không những giỏi về chuyên môn, am hiểu văn hoá công ty mà còn phải… thật trung thành.
Lời giải cho bài toán trung thành
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều chương trình tuyển dụng “tài năng trẻ” cho các vị trí điều hành trong tương lai, hay còn được biết đến với tên gọi Quản trị viên tập sự (QTVTS) do các công ty hàng đầu tổ chức như: Unilever, Coca Cola, Pepsi, Birtish American Tobacco, HSBC… Hầu hết đều áp dụng phương thức tuyển dụng tài năng trẻ ngay khi mới ra trường để tìm kiếm và đào tạo nhân tài cho riêng tổ chức mình.
Nhưng tại sao các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lại có sự quan tâm lớn đến việc tuyển dụng các sinh viên trẻ mới ra trường đến như thế? Trao đổi về việc này, chị Cáp Thị Minh Trang – chuyên viên tư vấn nhân sự Công ty Nhân Việt, một trong những đơn vị tư vấn nhân sự hàng đầu trong nước đã chia sẻ về các lợi ích sâu xa từ việc áp dụng cách thức tuyển dụng trên.
Chị cho biết: “Chương trình là nơi hội tụ các tài năng trẻ tuổi đầy tiềm năng của đất nước. Họ là những hạt giống quý báu của các doanh nghiệp, hứa hẹn 1 đội ngũ quản lý đầy năng lực trong tương lai. Các bạn trẻ khi được tuyển dụng sẽ nhanh chóng hòa nhập và phát triển chính do có được sự chuyển tiếp rất phù hợp từ môi trường học tập sang mội trường làm việc. Các doanh nghiệp sẽ dễ dàng đào tạo và huấn luyện hơn khi tất cả đều là những sinh viên mới ra trường, chưa hề bị tác động hoặc ảnh hưởng bởi một nền văn hóa kinh doanh nào cả.”
Quan trọng nhất, theo chị Minh Trang thì các quản trị viên tập sự sẽ là một đội ngũ nhân viên cực kì trung thành vì đây là môi trường đầu tiên mà họ gắn bó và phát triển tiếp sau thời gian đi học. Đây sẽ là đội ngũ quản lý giỏi cực kỳ tiềm năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau có sự thấm nhuần văn hóa công ty cũng như nắm rõ về mô hình và lĩnh vực kinh doanh, là nền tảng cho sự gắn bó lâu dài sau này, giảm thiểu tỉ lệ biến động nhân sự của công ty – vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý nhân sự.
Lý thuyết và thực tiễn
QTVTS là một giải pháp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và bổ sung nguồn nhân tài – lãnh đạo trong tương lai. Tuy nhiên, việc tổ chức lại không phải là đơn giản với nhiều điều cần cân nhắc. Chị Trần Thị Kim Loan, phụ trách chương trình Hội tụ tài năng Việt – một trong những chương trình tuyển dụng Tài năng trẻ trên thị trường đã chia sẻ: “Công tác triển khai chương trình trên cần phải hết sức chi tiết và có sự đồng nhất từ mỗi nhân viên đến các vị trí cấp cao khác trong tổ chức. Trong từng giai đoạn, công ty nên có sự tư vấn – hỗ trợ từ các chuyên gia trong lĩnh vực này nhằm mang lại những kết quả cao nhất.”
Theo chị Loan, các tập đoàn đa quốc gia đang triển khai các chương trình QTVTS rất thành công. Họ có rất nhiều năm kinh nghiệm khi xây dựng chương trình cũng như triển khai tại từng quốc gia khác nhau. Tuy vậy, tùy vào mục tiêu, hiện trạng kinh doanh tại từng khu vực, có chương trình vẫn không được triển khai. Điều này cho thấy, bất kỳ doanh nghiệp nào mong muốn xây dựng – triển khai QTVTS nên hết sức cân nhắc các vấn đề như sự đồng thuận từ tất cả Ban điều hành, quy mô và sự tăng trưởng của doanh nghiệp ở tầm trung và dài hạn, kiến thức và kinh nghiệm từ bộ phận trực tiếp xây dựng triển khai cũng như cam kết thực hiện các kế hoạch nhân sự đề ra.
Trên thực tế, chương trình có thể được xem như một sản phẩm cụ thể với các giai đoạn phát triển bao gồm:
Giai đoạn xây dựng
Đây là giai đoạn quan trọng nhất nhằm xác định chương trình liệu có phù hợp với tổ chức hay không. Giai đoạn này xác định cam kết, mục tiêu từ Ban lãnh đạo đề ra trong dài hạn. Chính từ giai đoạn này sẽ hình thành chi tiết quy trình của QTVTS theo yêu cầu, quy mô doanh nghiệp. Toàn bộ kế hoạch, từ số lượng QTVTS, yêu cầu cho ứng viên, quy trình xét tuyển, thời gian xét tuyển cũng sẽ được xây dựng một cách chi tiết trong giai đoạn này.
Giai đoạn triển khai
Đây là giai đoạn công bố chương trình chính thức ra bên ngoài nhằm thu hút các ứng viên. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cách để triển khai chương trình. Nếu chưa có kinh nghiệm tổ chức hoặc tổ chức nhưng chưa thật hiệu quả, doanh nghiệp có thể nhờ đến các công ty chuyên về nhân sự – có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để có thể được tư vấn, hỗ trợ sàng lọc ứng viên một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Giai đoạn vận hành
Ngay khi các “tài năng trẻ” bắt đầu công việc tại doanh nghiệp, các bộ phận liên quan sẽ phối hợp nhằm thực hiện đúng các cam kết ban đầu; bao gồm: tính chất công việc, các chế độ lương – phúc lợi, các chương trình đào tạo, định hướng – thăng tiến nghề nghiệp. Giai đoạn này kéo dài bao lâu tuỳ thuộc vào thiết kế của chương trình trong giai đoạn xây dựng. Đây cũng là giai đoạn quyết định những đóng góp thật sự của các ứng viên cũng như quyết định khả năng có thể trở lành lãnh đạo của các bạn trẻ trong tương lai hay không.
Giai đoạn đánh giá – điều chỉnh
Công tác này được thực hiện song song cùng các giai đoạn triển khai và vận hành. Kết quả của dánh giá – điều chỉnh nhằm giúp chương trình QTVTS ngày càng hợp lý và hiệu quả cao.
Quản trị viên tập sự không phải là chương trình đào tạo lý thuyết suông. Ngay khi được lựa chọn, các ứng viên đã trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp, được bố trí làm việc tại các phòng ban, được huấn luyện từ công việc, được đào tạo kiến thức – kỹ năng nhằm phục vụ cho công việc. Các tài năng trẻ luôn được kỳ vọng sẽ trở thành các lãnh đạo trong tương lai, giải đáp cho bài toán gắn bó của doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Doanh nhân & pháp luật