Nghịch lý thời buổi khủng hoảng kinh tế

Mỗi ngày trôi qua, vẫn có nhiều công ty tuyên bố giảm nhân công và con số này còn tiếp tục. Tuy nhiên có một nghịch lý mà có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đa số những nhân viên tại Mỹ lâm vào tình trạng mất việc lại rơi vào độ tuổi từ 25-45.
Ai đi – Ai ở?
Ngày 28/1/2009, Boeing đã tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm 10.000 việc làm tại những nhà máy của mình nhưng lần này họ chỉ nhắm đến những lao động trẻ so với các lao động có tuổi. Hãng này đã thấm thía việc cắt giảm nhân công vào giữa những năm của thập niên 1990 khi hầu hết các nhân viên tình nguyện ra đi là người có kinh nghiệm, có tuổi đời và tuổi nghề dày dặn, điều này đã đẩy Boeing đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng những nhân tố quan trọng khi đơn hàng nhiều lên và hãng đã làm ăn khấm khá trở lại.
“Chúng tôi không muốn lặp lại sai lầm một lần nữa”, ông Richard Hartnett, Giám đốc tuyển dụng toàn cầu của Boeing đã phân trần khi được hỏi tại sao lần này họ chỉ nhắm đến người trẻ và trung niên. Và họ rất có lý khi đưa ra nhận định vì hiện nay không chỉ có một mình Boeing làm vậy.
Theo thống kê của Cục Lao động của Mỹ thì số người trong độ tuổi 55 trở lên đang có việc làm đã tăng đến 900.000 người kể từ tháng 10 năm 2007 đến cuối năm 2008. Ngược lại, những lao động tuổi đời từ 25 đến 54 lại bị ảnh hưởng vì họ nằm trong số 2,9 triệu việc làm bị cắt giảm so với cùng khoảng thời gian đó.
Tại sao có sự nghịch lý này?
Lý giải của sự nghịch lý này có thể nhìn dưới góc độ khác nhau. Nếu chúng ta nhìn lại vào những năm của thập niên 1990-1991 khi các hãng lớn tại Mỹ sa thải nhân công thì hầu hết những người có tuổi bị mất việc hàng loạt, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Chỉ sau một thập niên, con số người lớn tuổi bị thất nghiệp giảm đáng kể.
Tất nhiên xét ở góc độ của nhà tuyển dụng, những lao động thâm niên đều có mức thu nhập khá cao vì thế nếu sa thải họ, công ty phải chi trả một khoản phụ cấp thôi việc khá nặng nhưng ngược lại, lực lượng kế thừa sẽ giảm được nhiều chi phí xuống một phần ba so với những nhân viên thâm niên. Nhiều công ty đã cân nhắc việc thay máu bằng cách tuyển các vị trí chủ chốt bằng những người trẻ, thậm chí cả sinh viên mới ra trường vào làm để cắt giảm chi phí. Nhưng liệu rằng, họ đúng hay thực tế đã chứng minh ngược lại? Có nhiều lý do cho việc này:
Xu hướng ủng hộ việc thay đổi nhân sự thâm niên cho rằng:
– Đa số người có thâm niên kinh nghiệm đều ngốn một ngân sách đáng kể trong chi phí hoạt động. Những người này có thể tạo ra sức ì khi đã ở lâu trong công ty. Vì thế khi công ty đưa ra chính sách kêu gọi cắt giảm nhân công, xuất phát từ lòng tự trọng, họ thường tình nguyện và nhường cơ hội ở lại cho lớp trẻ. Nhiều người cho rằng như thế là đủ, hãy tìm cơ hội mới để khám phá và tận hưởng cuộc sống theo ý mình.
– Lớp trẻ có nhiều sáng tạo, năng động và chi phí lương tiền sẽ rẻ hơn. Hơn nữa những người trẻ có thể dễ dàng chấp nhận những áp đặt có thể xem là độc tài của một số quản lý hơn là những nhân viên có kinh nghiệm lâu năm.
Xu hướng không ủng hộ việc thay đổi:
– Các doanh nghiệp phải dè chừng nếu nhắm đến việc sa thải người có thâm niên và kinh nghiệm vì có thể bị cáo buộc với việc kỳ thị tuổi tác, đụng chạm đến vấn đề nhân quyền vốn rất nhạy cảm trong xã hội phương Tây.
– Một số nghiệp đoàn tại Mỹ còn đưa ra yêu cầu rằng nếu có tinh giản thì người trẻ phải lên đường trước, người có tuổi nhưng chưa thuộc diện phải về hưu lại được ưu tiên để đảm bảo quyền lợi về hưu của họ sau này.
– Lý do khác cũng rất quan trọng là hầu hết những người lớn tuổi trong các công ty này đều là những vị có kinh nghiệm có tay nghề giỏi, và họ có thể xử lý các vấn đề quan trọng một cách tốt hơn. Họ đồng thời cũng là những người có trách nhiệm trong công việc và họ được xem là những người làm gương cho lớp trẻ (role-model) trong các nguyên tắc hoạt động và gìn giữ các giá trị của doanh nghiệp.
Theo luật sư Gerald Maatman Jr tại Chicago, người đã tư vấn cho hơn 10 công ty trong việc giảm nhân lực trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này: “Các số liệu cho thấy nhiều doanh nghiệp luôn muốn giữ lại những nhân viên đã được công ty đầu tư nhiều trong việc đào tạo và họ thường là những người có tuổi và có nhiều kinh nghiệm”.
Một hãng dược phẩm lớn của Mỹ là Caremark cũng đang có chủ trương cắt 800 nhân viên hành chính sau khi họ mua lại một chuỗi các cửa hàng bán thuốc từ tháng Tám năm ngoái, bằng cách tuyển dụng lao động có thời hạn hoặc lao động thời vụ thay cho các vị trí vừa cắt giảm. Họ không hề đụng đến một nhân viên thâm niên nào tại hãng vì tin rằng khi nhân viên của mình vào độ tuổi 50 cũng là đỉnh điểm của sự tận tuỵ và độ chín muồi về nghiệp vụ.
Đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, họ cần được giữ lại lâu hơn vì họ luôn phục vụ khách hàng của mình tốt hơn lớp trẻ. Tương tự như vậy, hầu hết các ngành nghề đều thấy được giá trị của các nhân viên lớn tuổi nếu đem so sánh hiệu quả công việc giữa những người này với lớp trẻ vừa chân ướt chân ráo vào nghề chừng năm năm trở lại.
Một giải pháp nhiều tình người
Dưới con mắt của những nhà kinh tế, cũng có một vài quan ngại về khả năng và sức ì cũng như gánh nặng lương tiền của lớp nhân viên có thâm niên tại công ty, vì thế họ vẫn cho rằng việc giữ lại các nhân viên kỳ cựu có tay nghề và tuổi đời chỉ là giải pháp tạm thời.
Nhưng theo họ, trong giai đoạn khó khăn này, quan trọng nhất vẫn là sự linh động khôn ngoan mang tính chiến lược của từng doanh nghiệp trên từng địa bàn cụ thể khi đưa ra quyết định sa thải nhân viên. Nguồn nhân lực trụ cột không phải có được một sớm một chiều và doanh nghiệp sẽ phải trả giá trong khoảng thời gian khá dài nếu họ chỉ nghĩ đến cắt giảm lương tiền và đánh mất nguồn chất xám quan trọng để phục hồi hiệu quả công ty khi nền kinh tế sáng sủa trở lại.

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần