Cứ thêm một siêu thị mới của các doanh nghiệp nước ngoài khai trương, đi vào hoạt động là một lần các doanh nghiệp bán lẻ nội địa lại nuốt vào lòng nhiều câu hỏi đắng ngắt: “vì sao…”?
Lâu nay các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn phàn nàn – và không phải không có cơ sở – rằng, các nhà bán lẻ nước ngoài đã được hưởng nhiều ưu đãi. Một ví dụ dễ thấy nhất là các nhà bán lẻ nước ngoài luôn có địa điểm đẹp, thậm chí ngay cả khi địa điểm đó không nằm trong quy hoạch!
Tự bơi…
Việc Metro Cash & Carry được phép mở trung tâm bán sỉ ở vị trí khá đẹp tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, cách siêu thị Saigon Co.opMart Buôn Ma Thuột khoảng 1.000 mét đã khiến bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam rất bức xúc và lo lắng. “Metro là bán buôn, nhưng cũng chả khác gì bán lẻ mà siêu thị bán lẻ dù đang hoạt động tốt cũng khó có thể cạnh tranh được với siêu thị bán buôn khi họ được lợi thế về địa điểm”, bà Loan nói. Lo lắng này không phải là thiếu cơ sở, bởi chỉ với vài loại giấy tờ liên quan đến doanh nghiệp (bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực nào) hay là hộ kinh doanh cá thể là người ta có được tấm thẻ mua hàng tại Metro mà không bị ràng buộc gì. Được mua với giá bán buôn, không mất thời gian đi lại, tiện chả kém ra các sạp hàng nhỏ gần nhà hay siêu thị cuối phố, chắc chắn khiến khách hàng cá nhân chọn Metro vì rộng rãi, sạch sẽ lại nhiều hàng hóa.
Dẫn chứng một sự cạnh tranh khó khăn khác, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP.HCM (Saigon Co.op) cho hay, ngay cả TP. HCM – nơi được xem là có quy hoạch tốt về mạng lưới bán lẻ – cuối cùng vẫn cấp phép cho Lotte mở siêu thị ngay trên một con đường trước đó không có trong quy hoạch. Điều này khiến các doanh nghiệp bán lẻ nội ấm ức vì họ đã quá cả tin rằng, sẽ không có siêu thị nào được mở tại đó (như quy hoạch đã định).
Không chỉ mở được siêu thị ở nơi tưởng – như – không – thể đó, Lotte Mart quận 7 ra đời đã nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh trực diện với FiviMart quận 7, cách đó khoảng 2 km. Khi quyết định đóng cửa siêu thị tại đây, Công ty TNHH Nhất Nam, chủ sở hữu hệ thống FiviMart cho hay, địa điểm đặt FiviMart ở quận 7 là đi thuê, nay hết thời hạn, chủ đất đòi giá cao lên… Nhưng còn có một thực tế khác khiến FiviMart phải dứt áo ra đi là bởi từ khi có Lotte Mart quận 7, doanh số của FiviMart giảm hẳn, chưa kể nhiều nhân viên đã được FiviMart đào tạo, nhưng khi thạo nghề lại bị hút sang làm việc tại Lotte Mart với lương cao hơn
Có cùng nhận định về sự ưu ái mà nhiều địa phương dành cho các “đại gia bán lẻ” đến từ nước ngoài, bà Hoàng Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Intimex Việt Nam cũng cho biết, có địa phương rất hờ hững khi doanh nghiệp nội tìm đến, đề nghị thuê một vị trí cụ thể để mở siêu thị, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã thấy doanh nghiệp FDI khai trương siêu thị ở đúng vị trí đó. Cho rằng, “mình phải tự cứu mình”, ông Nguyễn Ngọc Hòa vẫn rất trăn trở về việc tạo ra một hệ thống bán lẻ nội địa lớn mạnh, cụ thể là tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp bán lẻ nội có chỗ phát triển kinh doanh, mở rộng mạng lưới. “Phát triển mạng lưới là nhu cầu sống còn của bán lẻ, nhưng doanh nghiệp nội hiện gặp khó khăn vì chủ trương của các địa phương là giao đất phải nộp tiền ngay 1 lần. Như vậy, nguồn lực của doanh nghiệp nội không đủ. Ấy là chưa kể giá đất phải theo thị trường”, ông Hòa nói và cho biết, Saigon Co.op đã được TP.HCM tạo điều kiện khi giới thiệu một lô đất có diện tích khoảng 3.000 m2 ở khu vực đông dân, giao thông thuận tiện. Nhưng nếu tính tiền đất phải nộp ngay thì cũng mất tới khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ dám làm từ từ, từng vị trí một và ở quy mô vừa phải, cỡ 3.000 – 4.000 m2 trở xuống ở một vị trí chứ không dám làm liền 5-7 địa điểm một lúc. Việc có được một trung tâm thương mại diện tích 2 ha tại TP.HCM hay Hà Nội chỉ là mơ ước! “Nếu địa phương vận dụng cho thuê đất để làm siêu thị thì còn dễ, chứ áp dụng cứng hình thức giao đất thu tiền một lần thì doanh nghiệp khó khăn”, ông Hòa nói.
Bên cạnh khó khăn về mặt bằng, việc bị khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị ở mức 10% (đối với các doanh nghiệp trong nước còn vốn nhà nước) cũng được Saigon Co.op coi là “bó tay, bó chân doanh nghiệp nội”. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn được sự hậu thuẫn hùng mạnh về quảng bá của tập đoàn mẹ với mục tiêu nhanh chóng giành thị phần lại không hề bị khống chế.
Bởi vậy, có một thực tế là “cứ mỗi siêu thị hay trung tâm thương mại của doanh nghiệp FDI được mở ra, thì nỗi lo sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp nội lại dấy lên”, là tâm sự của một doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Hay nương bóng đại gia?
Trong một nhận xét mới đây, Bộ Công Thương có ước tính doanh thu của Big C Thăng Long – trung tâm thương mại được xem là lớn nhất trong hệ thống Big C – khoảng 20 triệu USD/năm, tương đương khoảng 400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên với con mắt trong nghề, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cho rằng, doanh thu thực tế bình quân của trung tâm này phải lên tới 3 tỷ đồng/ngày. 5 năm sau ngày Việt Nam gia nhập WTO, Big C đã mở thêm được 13 cơ sở mới. Metro Cash & Carry cũng mở thêm được 10 trung tâm (trên tổng số 17 trung tâm đang hoạt động). Parkson mở thêm 7 trong số 8 trung tâm thương mại đang có.
Vẫn dốc sức để phát triển thị phần, mở rộng mạng lưới bán lẻ của riêng mình nhưng chính các doanh nghiệp nội cũng đang trăn trở với câu hỏi: đi tiếp một mình hay nương bóng đại gia? Một doanh nghiệp tâm sự rất thật lòng: “Giờ đang còn giá thì bán cho các doanh nghiệp nước ngoài, chứ sau này họ lấp đầy bản đồ địa điểm phân phối rồi thì có bán cũng chẳng ai mua hoặc không thể được giá như bây giờ”, ông nói.
Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn phân phối Phú Thái thì cho hay, cơ quan chức năng tới nay vẫn loay hoay chưa ra được chiến lược về phân phối bán lẻ. Trước đây, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có ý định xây dựng 10 -15 doanh nghiệp bán lẻ lớn nội địa, nhưng nay vẫn chưa thấy đâu. Mà tình trạng này cứ tiếp diễn thì chẳng khác nào đi không nhìn rõ đường, nhưng vẫn cứ đi…
Có lẽ cũng bởi vậy mà lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ nội đã không ngại ngần khi nói thẳng với các quan chức của Bộ Công Thương rằng, để thị trường bán lẻ trong nước rơi vào tay các doanh nghiệp FDI sẽ là mất rất nhiều và nguy hại lâu dài, không chỉ cho riêng lĩnh vực này.
Theo Xuân Diệu