Doanh thu hay lợi nhuận trong tăng trưởng doanh nghiệp?

Bệnh mới phát nhưng con bệnh đã có ý định kết liễu đời mình vì biết rằng cơn đau kinh hoàng rồi sẽ ập đến. Công ty Cáp Sài Gòn là con bệnh điển hình của kinh tế suy giảm khi cả 2 mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều kém. Nhìn vào các con số tài chính trong giai đoạn 2009-2011 có thể thấy bệnh của Cáp Sài Gòn chỉ mới bộc phát.
Tổng doanh thu qua các năm 2009, 2010, 2011 của Công ty lần lượt là 370 tỉ đồng, 537 tỉ đồng và 277 tỉ đồng, nghĩa là doanh thu năm 2011 đã giảm gần 50% (so với năm trước đó), sau mức tăng 45% của năm 2010. Tổng lợi nhuận còn thê thảm hơn khi đạt chỉ 12 tỉ đồng năm 2011, giảm tới 70% (so với mức tăng 14% của năm 2010). Tiền mặt còn khoảng 200 tỉ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2012 của Cáp Sài Gòn vào ngày 21.4 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đỗ Văn Trắc đã ủng hộ phương án giải thể Công ty. Ông tỏ ra mất niềm tin về khả năng vực dậy doanh nghiệp trước việc chi phí đang tăng cao, cùng với thị trường cáp đồng, cáp viễn thông quá cạnh tranh và đang tiến đến điểm bão hòa.
Đuối sức
NCĐT tạm xếp những công ty có doanh thu và lợi nhuận đều giảm như Cáp Sài Gòn vào nhóm 1. Trong nhóm này, có nhiều công ty đạt mức tăng trưởng cao trong những năm trước đó, nhưng lại đuối sức trong năm 2011. Chẳng hạn, Công ty Đầu tư và Phát triển Sacom, một doanh nghiệp lớn trong ngành cáp, đã có doanh thu và lợi nhuận giảm đến hơn 100% so với năm 2010. Công ty Cổ phần SPM và Tập đoàn Thái Hòa, 2 doanh nghiệp trong top 5 của ngành dược và cà phê xét về quy mô, cũng có kết quả đáng buồn tương tự.
Trong khi đó, lại có không ít công ty tên tuổi dù có doanh thu tăng nhưng tăng trưởng lợi nhuận thì rất ảm đạm. Điển hình cho nhóm “doanh thu tăng, lợi nhuận giảm” (nhóm 2) là Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn – Savico (SVC), một doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ tổng hợp với mô hình đại lý kinh doanh xe máy, xe hơi. SVC có doanh thu năm 2011 tăng đến khoảng 50% so với năm 2010, nhưng lợi nhuận lại giảm khoảng 15%. Ông Tạ Phước Đạt, Phó Tổng Giám đốc SVC, cho rằng chi phí vốn vay quá cao, cộng với các loại thuế đánh trên xe hơi làm cho việc bán xe bị lỗ hoặc huề vốn, trong khi trước kia có thể đạt mức sinh lời 5-7%/sản phẩm. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của Công ty.
Nhóm 2 cũng có sự góp mặt của không ít doanh nghiệp có quy mô vừa, lớn trong danh sách hơn 700 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó có thể kể đến Tập đoàn Masan, Thép Hòa Phát, Thép Pomina, Petrolimex, hãng taxi Vinasun, Dầu thực vật Tường An, Công ty Kinh Đô, Thủy sản Minh Phú. Cuộc phỏng vấn nhanh các nhà điều hành cấp cao của Thép Pomina và Vinasun cho thấy họ gặp tình cảnh tương tự, đó là lợi nhuận bị ảnh hưởng do chi phí tăng cao, cùng với khó khăn chung của thị trường.
Còn lại là các doanh nghiệp trong nhóm 3 – nhóm đạt được sự tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Nhưng số doanh nghiệp có mức tăng trưởng mạnh thì không nhiều. Trong đó, có thể kể đến FPT, Vinamilk, Dược Hậu Giang, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Vinacafé, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE với mức tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 25% và lợi nhuận trên 10%. Các công ty này dù đối mặt với chi phí tăng cao nhưng đã đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra nhờ chủ động được nguồn tài chính, vay ít hoặc không vay, cộng với một thực tế là sản phẩm tiêu dùng thường có khả năng vượt bão khủng hoảng tốt hơn các sản phẩm khác.
Theo khảo sát của NCĐT đối với 629 công ty niêm yết, trong năm 2011, nhóm 1 “doanh thu giảm, lợi nhuận giảm”chiếm 207 công ty, nhóm 2 “doanh thu tăng, lợi nhuận giảm” khoảng 201 công ty và nhóm 3 “cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều tăng” là 221. Nghĩa là có đến 2/3 doanh nghiệp có lợi nhuận bị sụt giảm trong năm 2011. Vậy lãnh đạo của những công ty này đang làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay?
Những con đường tăng trưởng
Nhiều công ty trong nhóm 1 và 2 khi được hỏi vẫn đặt niềm tin vào khả năng hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm nay, mặc dù vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vốn vay và chi phí thì đang tăng cao. Ông Trần Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, cho biết: “Với mức lãi vay lên đến 17-20%, nếu năm nay lợi nhuận chỉ còn 50 tỉ đồng (năm 2011, Vinasun đạt lợi nhuận 133 tỉ đồng) thì cũng không thành vấn đề. Chúng tôi sẽ nỗ lực vì tương lai của doanh nghiệp. Và chúng tôi không bị sức ép từ cổ đông”.
Điểm chung của các công ty nhóm 1 và 2 là đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu cao hơn lợi nhuận. Theo khảo sát của NCĐT, họ chọn nhiều con đường tăng trưởng khác nhau.
Thứ nhất là mở rộng thị trường. Ông Đạt, SVC, chia sẻ: “Nếu lợi nhuận khó đạt được ở mức cao thì đây vẫn là thời điểm tốt để chúng tôi mở rộng thị trường, giành lấy thị phần”. SVC hiện đang tìm kiếm khu vực lân cận đô thị cho các đại lý xe mới của họ (dự kiến 2-3 đại lý cho xe máy và 2-3 đại lý cho xe hơi). Trong khi đó, Vinasun đang có kế hoạch mở rộng đội xe từ 4.200 chiếc hiện nay. Còn ông chủ của Thép Pomina thì cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để tăng doanh thu trong bối cảnh thị trường thép trong nước đang bão hòa và sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tại Tập đoàn Hòa Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Đình Long cho biết sẽ hoàn tất dự án Khu liên hợp sản xuất gang-thép Hòa Phát tại Hải Dương trong quý đầu năm 2012 để phục vụ xuất khẩu.
Thứ hai là gia tăng doanh thu và lợi nhuận thông qua các “đại dương xanh” (tức chiến lược tạo ra các thị trường mới có mức lợi nhuận cao). SPM, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc, là một ví dụ. Thực trạng của ngành dược hiện nay là danh mục thuốc của các công ty giống nhau đến 50%, dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá, trong khi chi phí đầu vào tăng nhanh (từ chi phí vay, chi phí nguyên liệu, chi phí phân phối cho đến chi phí bôi trơn trong phân phối thuốc).
Ông Văn Tất Chiến, Phó Tổng Giám đốc SPM, cho biết Công ty sẽ tung ra dòng thuốc “phóng thích chậm” (ngấm lâu và hiệu quả, bệnh nhân không phải uống nhiều) chưa từng có trên thị trường với giá bán cao để gia tăng doanh thu. Bên cạnh đó, ngoài 8 dòng thuốc hiện có, SPM cũng tấn công vào mảng thực phẩm chức năng có tỉ suất sinh lời cao hơn thuốc chữa bệnh không kê toa.
Thứ ba là thay đổi cơ cấu doanh thu trong danh mục kinh doanh. Trước kia, SVC thu được 100 đồng tiền lãi với 70 đồng từ bán xe, 30 từ dịch vụ (bảo trì, sửa chữa…). Tuy nhiên, hiện nay Công ty đang có khuynh hướng chuyển dịch nguồn thu sang dịch vụ, với tỉ trọng chiếm đến 60-70%. “Nếu so sánh giữa lợi nhuận biên bán hàng từ 5-7% thì mảng dịch vụ tốt hơn, đến khoảng hơn 10%. Chúng tôi đang nỗ lực gia tăng nguồn thu từ dịch vụ”, ông Đạt nói.
Thứ tư là thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Việc Masan chọn con đường tăng trưởng bằng cách mua lại Vinacafé Biên Hòa là một ví dụ. Dấu hiệu về suy giảm lợi nhuận của Masan năm 2011 cũng “khớp” với thị trường mì gói đang có quá nhiều đối thủ cạnh tranh (có 5 hãng mì lớn và hàng chục thương hiệu ngoại chia sẻ 7 tỉ gói mì của thị trường, theo tổ chức nghiên cứu thị trường Anh Euromonitor), trong khi chi phí ngành hàng tiêu dùng tăng cao. Ông chủ của Masan cũng dễ nhận ra điều đó. Vì thế, Masan chọn tăng trưởng bằng cách cộng hưởng với Vinacafé, doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan. Theo một nguồn tin thân cận, với sự tham gia của Masan, trong năm nay Vinacafé sẽ trình làng một sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh cao, có thể giúp mang lại nguồn thu lớn.

Theo Marketingchienluoc