Sự cải tiến là điều kiện cần thiết và quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế canh tranh và phát triển bền vững. Theo Schrumpter (Xem Rogers 1998:6) có năm loại cải tiến, bao gồm cải tiến sản phẩm mới hoặc thay đổi sản phẩm cũ; phương pháp sản xuất mới; mở cửa thị trường mới; nguồn lực đầu vào mới; đổi mới tổ chức. Gần đây Porter and Stern (1999:12) đưa ra khái niệm cải tiến “Sự cải tiến – là phép biến đổi trí thức trong sản phẩm mới, quy trình mới, và dịch vụ mới – chứa đựng nhiều hàm lượng công nghệ và khoa học hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng”. Milé Terziovski, Professor Danny Samson and Linda Glassop (2001) kế thừa tư tưởng của Joseph Schrumpter, Roger (1998) và Porter, Stern (1999) đã tổng kết sự cải tiến biểu hiện trên bốn phương diện: cải tiến đầu vào (Input Innovation), cải tiến quy trình (Process Innovation), cải tiến sản phẩm mới (New product innovation), cải tiến chiến lược (Strategy Innovation).
Sự cải tiến doanh nghiệp cần có nguồn lực đầu vào, chúng bao gồm không chỉ các loại vốn hữu hình (vốn vật thể, vốn tài chính…), mà còn bởi những loại vốn vô hình, đặt biệt là vốn xã hội. Vốn xã hội của doanh được đặc trưng bởi sự tín cẩn (trust), sự có đi có lại hay sự hỗ tương (reciprocity), quy tắc (norms) và mạng lưới xã hội (networks) (Dasgupta và Serageldin, 2000; Fountain, 1998; Lesser, 2000; Putnam, 1995). Dưới gốc độ doanh nghiệp vốn xã hội được biểu hiện dưới các hình thức tài sản mạng lưới (mạng lưới kinh doanh, mạng lưới thông tin, mạng lưới nghiên cứu), tài sản tham gia (thể hiện mức độ chặt chẽ của doanh nghiệp tham gia vào các hiệp hội ngành nghề, các hội thảo, triển lãm), tài sản quan hệ (thể hiện phạm vi và chất lượng các mối quan hệ của doanh nghiệp với các nhà cung cấp, khách hàng, viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý kinh tế…), tài sản thị trường (thể hiện khả năng bán sản phẩm của doanh nghiệp, thị phần doanh nghiệp), tài sản tín cẩn ( thể hiện lòng tin của các chủ thể liên quan đối với doanh nghiệp, như sự tín cẩn của nhà cung cấp, khách hàng, các đơn vị quản lý ngành, trường đại học…) và sức ép cạnh tranh (Năm áp lực cạnh tranh của Porter, 2000).
Vốn xã hội cung cấp nguồn động lực cho sự cải tiến của doanh nghiệp. Đóng góp của vốn xã hội trong tiến trình cải tiến là cắt giảm chi phí giao dịch giữa các doanh nghiệp làm ăn với nhau và giữa doanh nghiệp với các chủ thể khác trong nền kinh tế, đáng kể nhất là chi phí thông tin, sự mặt cả, quyết định chi phí, chi phí thủ tục hành chính (Maskell, 1999). Vì vậy, nếu doanh nghiệp có hàm lượng vốn xã hội lớn sẽ nâng cao sức cạnh trạnh, mở rộng qui mô sản xuất. Vốn xã hội sẽ giúp giảm những hành động phi pháp, thông tin chính xác tạo ra sự tình nguyện gia nhập các hiệp hội, hỗ trợ thông tin trong cộng động doanh nghiệp. Dưới đây là một số phương diện đóng góp của vốn xã hội cho quá trình cải tiến doanh nghiệp.
Thứ nhất: Vốn xã hội là nguồn động lực cho sự cải tiến của doanh nghiệp:
Động lực của sự cải tiến thường xuất phát từ những bức xúc từ bên trong cũng như bên ngoài doanh nghiệp. Sự bức xúc phát sinh từ mối tương quan của hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh về thị trường, công nghệ và lao động. Để kịp thời phát hiện những bức xúc này đòi hỏi doanh nghiệp phải có mạng lưới kinh doanh, mạng lưới thông tin và mạng lưới nghiên cứu công nghệ, chúng được gọi chung là tài sản mạng lưới – một hình thức biểu hiện của vốn xã hội.
Thứ hai: Đóng góp của vốn xã hội vào cải tiến đầu vào ( Input Innovation)
Cải tiến đầu vào là hành vi của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và cung cấp nguồn lực mới cùng với những kiến thức mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cải tiến đầu vào được đo lường trước hết bởi khả năng thăm do và tận dụng công nghệ đã được phát triển bởi những tổ chức khác; thứ hai là chuỗi hợp tác của doanh nghiệp trong việc cung ứng các nguyên liệu đầu vào; thứ ba là sự đầu tư của doanh nghiệp trong vấn đề thông tin kinh doanh (hay còn gọi là tình báo kinh doanh của doanh nghiệp).
Những chỉ tiêu đo lường mức độ cải tiến đầu vào thể hiện tài sản mạng lưới và tài sản tham gia và tải sản tín cẩn (gọi chung là vốn xã hội).Về tài sản mạng lưới và tham gia, nếu doanh nghiệp có mạng lưới xã hội tốt và tham gia nhiều hội thảo cung ứng nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn và sàn lọc từ nhiều nhà cung cấp, qua đó doanh nghiệp có thể lựa chọn nhà cung ứng tốt nhất. Về tài sản tín cấn, nhờ vào sự tín cẩn với các nhà cung cấp mà doanh nghiệp gặp thuận lợi trong việc xoay sở khi gặp sự cố thiếu hụt nguyên liệu, hay nhờ vào sự tín cẩn mà nhà cung cấp muốn hợp tác lâu dài nên cung ứng đầu vào với chất lượng tốt, chi phí phù hợp.
Thứ ba: Đóng góp của vốn xã hội vào cải tiến quy trình ( Process Innovation)
Cải tiến quy trình sản xuất là khả năng liên tục cải tiến của doanh nghiệp, bao gồm cải tiến cấu trúc, quy trình, con người và văn hóa của doanh nghiệp. Vốn xã hội đóng góp trong tiến trình này trước hết là tài sản quan hệ bên trong giữa các lao động trong doanh nghiệp (chiều dọc lẫn chiều ngang) trong việc hợp tác để hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp. Mối quan hệ bên ngoài cũng góp phần không nhỏ vào sự cải tiến của doanh nghiệp, chặng hạn như ý tưởng cải tiến xuất phát từ thông tin cải tiến của các tổ chức khác thông qua sự hiểu biết của nhân viên trong doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với cá nhân hoặc các tổ chức khác. Thư hai là sự tín cẩn lẫn nhau giữa các cá nhân lao động sẽ là động lực để doanh nghiệp hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch. Một tổ chức hoạt động không hiệu quả nếu những con người trong tổ chức thiếu sự tín cẩn và đề phòng nhau. Vốn xã hội sẽ giúp rút ngắn thời gian hoàn thành công việc trong quy trình và đảm bảo chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.
Thứ tư: Đóng góp của vốn xã hội vào cải tiến chiến lược ( Strategy Innovation)
Chiến lược kinh doanh là “kim chỉ nam” cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh gắn liền với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh là một biến số được giải thích bởi nhiều yếu tố và liên tục thay đổi trong thời đại ngày nay – đòi hỏi doanh nghiệp phải liên túc điều chỉnh chiến lược. Việc điều chỉnh chiến lược dựa vào sự nhận diện chúng. Sự nhận diện này phụ thuộc tài sản mạng lưới và tài sản tham gia của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường xuyến tham gia các chuyền đề thăm dò thị trường, chuyên đề khoa học và có nhiều mối nối với các chủ thể trong môi trường kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện tốt sự thay đổi của môi trường kinh doanh để điều chỉnh chiến lược. Hay nói cách khác vốn xã hội chính là nguồn lực giúp doanh nghiệp cải tiến chiến lược.
Theo Saga