Rào cản nào khiến dân văn phòng ngại giao tiếp?

Giao tiếp tốt không chỉ là chìa khóa giúp chúng ta thành công trong cuộc sống mà còn là trợ thủ đắc lực trong công việc. Tuy nhiên, nhiều dân văn phòng lại “đỏ mặt tía tai” mối lần nhắc đến từ giao tiếp

Ngoại hình
Đây cũng là một trong những rào cản chính khiến nhiều dân văn phòng ngại giao tiếp với mọi người đặc biệt là đối tác. Ngoại hình luôn là một ưu thế vô hình giúp nhiều người tự tin và ngược lại cũng khiến không ít người tự ti cũng như ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Để giải quyết vấn đề này thì một cuộc cải tổ lớn cần được tiến hành. Hãy thay đổi phong cách ăn vận và đầu tóc của mình sao cho hợp lý nhất. Một trang phục đẹp không nhất thiết phải đắt tiền vì vậy đừng nên quá đắn đo về giá cả. Hãy chọn lựa trang phục với hai tiêu chí. Một là hợp với môi trường làm việc của bạn. Hai là hợp với tính cách của bạn. Mặc đẹp không chỉ giúp bạn tự tin mà còn là bước đệm để bạn tiến gần hơn với thế giới bên ngoài.
Ngôn ngữ
Không có khiếu trò chuyện, có quá ít từ ngữ để nói, để trao đổi hoặc nói quá nhiều cũng là một trong những rào cản lớn khiến việc giao tiếp của dân công sở kém hiệu quả. Khi một người sử dụng từ ngữ không phù hợp với hoàn cảnh nói cũng như hoàn cảnh viết thì hiểu lầm là điều rất dễ xảy ra. Vì vậy, cách tốt nhất là luyện nói trước gương (với những người ít nói) và thi hành chiến lược “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (đối với những người nói quá nhiều).
Cảm xúc
Cảm xúc thường là yếu tố chi phối hành động vì vậy hành động khi cảm xúc không ổn định là hành động “dại dột” nhất trong những điều “dại dột”. Giao tiếp cũng không nằm ngoài quy luật trên. Thực tế là, rất nhiều bất đồng cũng như thất bại xảy ra là do con người không kìm chế được cảm xúc.

Ngoài ra, những người bị bệnh lo âu, trầm cảm, nóng nảy thường có xu hướng hiểu sai ý của người khác. Vì vây, cảm xúc cũng là một trong nhứng yếu tố khiến giao tiếp trở nên khó khăn.
Thiếu kiến thức
Những người có vốn kiến thức sâu rộng bao giờ cũng “mạnh miệng” hơn những người có vốn kiến thức hạn hẹp. Họ tự tin để thể hiện mình hoặc phần lớn họ có khả năng nắm bắt được ý đồ cũng như thông điệp của đối tác một cách nhanh chóng. Trái lại, những người có vốn kiến thức hạn hẹp họ sẽ chia thành hai loại. Một là ngại giao tiếp, hai là giao tiếp nhiều nhưng thông tin sai lệch hoặc đón nhận thông điệp “lệch lạc” từ phía khách hàng, đối tác. Đó là lý do vì sao thiếu kiến thức khiến cho việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn.
Thiếu kinh nghiệm
Những nhân viên lâu năm hay còn gọi là “lão làng” trong một lĩnh vực nào đó, họ sẽ có xu hướng mở rộng trong giao tiếp. Bởi, họ có kinh nghiệm giải quyết cũng như ứng đối với mọi tình huống xảy ra bất kể tốt, xấu, dễ, khó. Ngược lại, với những nhân viên mới, họ có quá ít kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, đứng trước những trường hợp “trái khoáy” khiến họ không biết nên làm như thế nào và bắt đầu từ đâu. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều dân công sở ngại giao tiếp.

Theo Dân trí