Không biết các bạn đã từng gặp trường hợp này ở nơi đi làm chưa? Bản thân người viết thấy các môi trường làm việc của mình hầu hết đều gặp phải tình trạng này. Đặc biệt những là môi trường hành chính hoặc công ty gia đình.
Thực tế, dù muốn hay không thì bạn cũng phải chấp nhận thực tế này. Việc đá trách nhiệm có thể vì nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung lại thì cũng chỉ có vài ý chính:
– Năng lực người tiếp nhận không đủ để giải quyết dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm
– Quan liêu vì được nhiều ưu đãi có sẵn từ sếp (có thể do thân quen hay vì 1 lý do nào đó) dẫn đến tâm lý Makeno (mặc kệ nó) rồi đến khi đổ vỡ thì người thế thân
– Bản tính bảo thủ, không chấp nhận mình sai
– Sự quan liêu, trì trệ của toàn hệ thống dẫn đến hành vi của cá nhân.
Hành vi ứng xử này thường kéo theo những hệ lụy chẳng mấy khi tốt đẹp:
– Về công ty, hiển nhiên là công việc bị trì trệ, không hiệu quả và đôi khi còn dẫn đến những tổn thất lớn. Người viết từng làm việc với 1 người có tính cách rất nghệ sĩ. Vì vậy, công việc cũng được giải quyết rất tùy hứng. Và khi không thể chữa cháy được nữa, thì người phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả luôn là…cấp dưới của người này. Dẫn đến nhân sự của team rất bất mãn
– Về phía người bị đổ lỗi, đá trách nhiệm. Bản thân cũng chẳng thấy vui vẻ gì, thậm chí là cảm thấy bất mãn, không phục nếu cấp trên xử lý không thấu tình đạt lý. Điều này dẫn đến nội bộ lủng củng, tư tưởng chống phá hoặc bất hợp tác xảy ra. Cuối cùng, vẫn là công ty lãnh đủ
– Còn người đá trách nhiệm: Với những người thuộc về bản tính thì không còn gì để bàn. Ở những trường hợp khác, nó sẽ khiến bạn tạo thành 1 thói quen xấu trong hành xử và đem lại kẻ thù cho bạn: từ đồng nghiệp, đối tác và là 1 bước cản trở cho sự phát triển của bản thân
Chúng ta thường có châm ngôn: Thương trường là chiến trường. Còn các bạn đã đang đi làm thì sẽ nghiệm thêm 1 câu nữa: Đồng nghiệp sẽ khó (hay không) phải là bạn. Vì mối quan hệ đồng nghiệp phức tạp hơn nhiều so với tình bạn thời đi học hoặc bạn bè từ những môi trường khác. Và vì không là bạn nên sẽ không tránh khỏi trường hợp, người lãnh trọn cú ‘đá’ ấy. Trong những trường hợp này, chúng ta sẽ phải ứng xử thể nào cho hợp lý:
– Hãy bình tĩnh, trực tiếp đối thoại với người đã ‘gài’ mình để giải quyết
– Trong trường hợp không thỏa mãn với cách hành xử, hãy thông tin đến các cấp có thẩm quyền để yêu cầu phân xử
– Trong trường hợp lặp đi lặp lại mà các sếp vẫn không xử lý thì hãy tin rằng, đã đến lúc bạn tìm 1 bến đỗ mới. Bởi bạn sẽ chẳng có 1 tương lai gì trong 1 môi trường làm việc thiếu dũng cảm như thế. Trừ khi, bạn cũng là 1 thành phần…giống họ
Theo Hoàng Hạc Lan/ Motibee