Đối diện với sự đối xử thiếu công bằng của sếp, những câu chuyện vớ vẩn được các đồng nghiệp bàn tán hay lo lắng cho cuộc phỏng vấn sắp tới… khiến bạn cảm thấy đau đầu.
Các chuyên gia tư vấn của CareerBuilder có thể giúp bạn tìm ra đáp án cho riêng mình qua 4 câu hỏi khá phổ biến của các ứng viên:
1. Thời điểm thích hợp để “nhảy việc”
– Tôi là một phụ nữ năm nay 30 tuổi, hiện đang làm về kỹ thuật ở một công ty du lịch. Tôi có bằng tốt nghiệp chính quy kỹ sư điện. Tôi không mệt mỏi hay ghét gì công việc hiện tại nhưng tôi cần một sự thay đổi. Bạn có thể cho tôi lời khuyên để mỗi sáng thức dậy vẫn muốn tiếp tục đi làm?
– Việc đầu tiên bạn cần xem xét là công việc hiện tại có phù hợp với những kỹ năng, kinh nghiệm và chuyên môn bạn có? Bạn phải biết rằng, sự hào hứng với công việc phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sở thích và sự phù hợp với chuyên môn. Nếu công việc hiện tại chưa có được điều đó, bạn nên nói chuyện trực tiếp với người quản lý để có sự cân đối hợp lý.
Thứ hai, nếu công việc không có gì tiến triển trong một thời gian dài, bạn cứ “dẫm chân tại chỗ” trong một mớ bòng bong chán ngắt thì hãy bắt tay vào tìm hiểu một số cơ hội ở những ngành nghề khác. Độ tuổi của bạn không phải quá khó khăn để chuẩn bị một khoản ngân sách dự trữ trong quá trình tìm việc mới phù hợp.
Bạn có thể tìm một người bạn tin tưởng để xin họ lời khuyên và hãy kiên trì để lấy được chiếc chìa khóa thành công.
2. Bị sếp ghét
– Tôi đang làm việc trong ngành du lịch và đã quen biết sếp khoảng 7 năm nay. Trong khi đồng nghiệp của tôi được ưu ái lên vị trí quản lý chi nhánh thì tôi vẫn ì ạch, sếp thường xuyên soi xét lỗi của tôi rồi báo lại với đồng nghiệp thay vì nhắc tôi trực tiếp. Tôi cảm thấy không thoải mái, thậm chí hơi khó chịu về cách cư xử này. Tôi có nên tiếp cận sếp để hỏi thẳng ông ấy về vấn đề này hay nên tìm một công việc khác?
– Câu trả lời của tôi cũng có mặt trong phần câu hỏi của bạn, đó là bạn nên nói chuyện rõ ràng với sếp. Nhưng tốt hơn nữa là nên ngồi lại cùng với cả đồng nghiệp đó, nếu có vấn đề gì cụ thể, các bạn có thể trao đổi thẳng thắn với sếp để hai bên cùng làm việc thoải mái hơn.
Tôi không nghĩ rằng tìm công việc mới là giải pháp hay trong trường hợp này, nhất là khi bạn đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn đang làm, am hiểu công việc, quy trình và hệ thống tổ chức ở công ty. Những nỗ lực giao tiếp khéo léo sẽ giúp bạn và sếp cũng như đồng nghiệp của bạn tìm thấy tiếng nói chung. Chúc bạn thành công với những nỗ lực của mình.
3. Bị dọa sa thải sau khi ốm dậy
– Tôi làm việc ở công ty gần một năm nay. Thời gian vừa qua, tôi có bị cảm cúm và phải ở viện một đêm. Tôi đã có thông báo và gửi mọi giấy tờ do bệnh viện xác nhận về công ty. Thế nhưng, bây giờ tôi lại nhận được thông báo, nếu bị ốm một lần nữa sẽ bị sa thải. Tôi phải làm thế nào trong tình huống này?
– Người sử dụng lao động cần xem xét mọi vấn đề và quan trọng nhất là hiệu quả công việc mà bạn đang đảm nhận. Sự vắng mặt của nhân viên có thể sẽ ít nhiều tác động trên khối lượng công việc của tổ chức và các nhân viên khác phải gánh vác thêm viêc. Sau đó, công ty sẽ san sẻ công việc cho các quản lý để phân chia cho nhân viên của mình, đảm bảo năng suất không bị ảnh hưởng. Nếu chỉ vì nghỉ ốm một hôm đã bị dọa sa thải, quả thực không đúng với quy định của pháp luật về chế độ nghỉ phép hằng năm của nhân viên.
Bạn nên gửi email hoặc sắp xếp một cuộc họp để thảo luận trực tiếp với những người có liên quan để có câu trả lời cuối cùng. Hy vọng đây chỉ là sự hiểu nhầm.
4. Thu nhập bao nhiêu là phù hợp
– Tôi đang chuẩn bị cho buổi phỏng vấn sắp tới với nhà tuyển dụng. Tôi muốn biết, với câu hỏi về mức thu nhập mong muốn, câu trả lời thế nào là tốt nhất. Tôi được yêu cầu đưa đến một bản sao tiền lương đã được nhận những tháng trước đó, cộng với cả khoản kiếm thêm. Làm thế nào để đảm bảo mức lương mong muốn không khiến tôi bị loại khỏi cuộc thi?
– Trong trường hợp này, ứng viên nếu cứ nhắc đến tiền lương và liệt kê những khoản thu nhập có được sẽ dễ tạo ấn tượng bạn là kẻ tham lam, chỉ nghĩ đến tiền. Một số ứng viên chọn cách “hạ thấp” giá trị bản thân nhưng cũng không ít người lại đề cao mình quá mức.
Tôi nghĩ bạn nên thành thật, trung thực về mức lương trong quá khứ. Nhà tuyển dụng sẽ biết cách chi trả mức lương công bằng dựa trên trình độ, kinh nghiệm của ứng viên. Bạn nên tập trung vào những yếu tố khác để thuyết phục nhà tuyển dụng và đưa ra thông tin về mức lương trong cùng lĩnh vực, vị trí như bạn để nhà tuyển dụng hiểu và có đánh giá công bằng.
Đừng bao giờ nói dối kể cả là hạ thấp giá trị bản thân đi nữa, bởi chẳng có nhà tuyển dụng nào hứng thú với ứng viên không thành thật.
Theo Women24/Bưu Điện Việt Nam