Chiến lược marketing của công ty bạn là gì? Bạn có chiến lược về giá cả và phân phối sản phẩm không? Bạn có kế hoạch thu hút thị phần ở những khu vực mới không? Bạn có kế hoạch quảng cáo trên báo chí hoặc truyền hình cho một sản phẩm hay dịch vụ mới sắp được tung ra thị trường không?
Đây là những câu hỏi quan trọng bạn cần phải đặt ra khi làm công tác marketing.
Để đưa được sản phẩm và dịch vụ đến với khách hàng, mọi công ty đều cần phải có chiến lược marketing và chiến lược đó phải phù hợp với chiến lược tổng thể của công ty. Chương này sẽ giới thiệu những đặc điểm cơ bản của chiến lược marketing và chiến lược công ty, đồng thời sẽ hướng dẫn bạn cách phối hợp chúng sao cho hài hòa. Chương này cũng trình bày bốn giai đoạn trong vòng đời sản phẩm: giới thiệu, phát triển, chín muồi và suy tàn, đồng thời giải thích chiến lược marketing phải thay đổi như thế nào trong từng giai đoạn ấy.
Định nghĩa chiến lược
Theo nghĩa thông thường, chiến lược (xuất phát từ gốc từ Hy Lạp là strategos) là một thuật ngữ quân sự được dùng để chỉ kế hoạch dàn trận và phân bố lực lượng nhằm đánh thắng kẻ thù. Carl von Clausewitz – một nhà binh pháp của thế kỷ 19, đã mô tả chiến lược là “lập kế hoạch chiến tranh và hoạch định các chiến dịch tác chiến. Những chiến dịch ấy sẽ quyết định sự cam kết hành động của cá nhân”. Gần đây hơn, sử gia Edward Mead Earle đã mô tả chiến lược là “nghệ thuật kiểm soát và dùng nguồn lực của một quốc gia hoặc một liên minh các quốc gia nhằm mục đích đảm bảo và gia tăng hiệu quả cho quyền lợi thiết yếu của mình”.
Ngày nay, các tổ chức kinh doanh cũng áp dụng khái niệm chiến lược tương tự như trong quân đội. Chiến lược là kế hoạch kiểm soát và sử dụng nguồn lực của tổ chức như con người, tài sản, tài chính,… nhằm mục đích nâng cao và bảo đảm những quyền lợi thiết yếu của mình. Giáo sư Michael Porter của Trường Kinh doanh Harvard đã định nghĩa chiến lược là “một kế hoạch hành động có quy mô lớn liên quan đến sự cạnh tranh”. Chắc chắn là kế hoạch cạnh tranh này liên quan đến việc trở nên khác biệt để có được lợi thế cạnh tranh. Porter viết: “Chiến lược cạnh tranh liên quan đến sự khác biệt. Việc lựa chọn cẩn thận các hoạt động khác biệt sẽ tạo ra một tập hợp giá trị độc đáo”. Hãy xem những ví dụ sau:
Southwest Airlines đã trở thành một hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất Bắc Mỹ không phải bằng cách bắt chước các đối thủ cạnh tranh. Hãng đã tự tạo cho mình sự khác biệt bằng một chiến lược kinh doanh đơn giản và đặc trưng: giá vé thấp, khởi hành thường xuyên, phục vụ chu đáo và cung cấp dịch vụ làm hài lòng khách hàng.
Hình thức kinh doanh trực tuyến đã tạo ra một sự khác biệt lớn cho eBay. Mục đích của eBay là phục vụ quảng cáo rao vặt, kinh doanh trên mạng, và mở các phiên đấu giá chính thức, nhưng với cách thức đơn giản, hiệu quả và phổ thông. Sàn giao dịch trực tuyến này đã làm cho dịch vụ của eBay trở nên khác biệt với dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh truyền thống.
Nhờ những chiến lược khác biệt, các công ty trên đã có được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Southwest Airlines là hãng hàng không Mỹ có lợi nhuận cao nhất, còn eBay là công ty thương mại điện tử thành công nhất. Sự khác biệt có thể nằm dưới nhiều hình thức. Ngay cả những sản phẩm giống nhau vẫn có thể trở nên khác biệt nhờ giá cả tốt hơn, khả năng cung cấp nhanh hơn hoặc việc giao hàng uy tín hơn.
Dĩ nhiên, bản thân sự khác biệt không đủ để tạo lợi thế cạnh tranh hay đảm bảo sự thành công trong kinh doanh. Sự khác biệt ấy phải đem lại giá trị thiết thực cho khách hàng. Một chiếc xe tốc độ cao có thể “khác biệt” nhưng vẫn không đủ sức thu hút khách hàng. Trong khi đó, một chiếc xe chạy bằng xăng và điện lại khác biệt theo cách tạo ra giá trị cao hơn cho khách hàng là tiết kiệm nhiên liệu và ít xả khí gây ô nhiễm. Đó là những giá trị được khách hàng đánh giá cao.
Vậy chiến lược là gì? Chiến lược là một kế hoạch nhằm đem lại cho tổ chức một lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Chiến lược là hiểu được mục tiêu của những việc bạn đang làm và tập trung vào việc lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Một chiến lược tốt, được thực hiện hiệu quả sẽ giúp các nhà quản lý và nhân viên mọi cấp nhận biết phương hướng hành động, góp phần vào sự thành công của tổ chức. Trái lại, một tổ chức không có chiến lược rõ ràng chẳng khác nào con thuyền không người lái.
Quy trình chiến lược
Quy trình chiến lược là một tập hợp các hoạt động biến đầu vào thành đầu ra. Quy trình này được trình bày trong hình 1-1. Chiến lược được xác lập dựa trên nhiệm vụ của công ty. Nhiệm vụ này xác định mục tiêu và những gì cần làm cho khách hàng và những thành phần liên quan khác. Căn cứ vào nhiệm vụ này, cấp lãnh đạo sẽ lập ra các mục tiêu. Những mục tiêu này là biểu hiện rõ ràng cho nhiệm vụ của tổ chức và được dùng để lập kế hoạch hành động hay đánh giá quy trình. Như được trình bày trong hình vẽ, những mục tiêu này nên được dựa trên hiểu biết thực tế về: (1) công việc kinh doanh, môi trường marketing bên ngoài và (2) năng lực của tổ chức.
Thông thường, bạn bắt đầu lập chiến lược bằng cách nghiên cứu sâu rộng và phân tích, đồng thời thực hiện một quy trình mà thông qua đó cấp lãnh đạo nhận biết được những vấn đề ưu tiên hàng đầu mà công ty cần giải quyết để thành công về lâu dài. Đối với mỗi vấn đề ưu tiên, các phòng ban và nhóm sẽ lập ra các kế hoạch hành động cấp cao. Một khi đã triển khai những kế hoạch hành động này, bạn sẽ làm rõ hơn các mục tiêu và định hướng chiến lược cấp cao của công ty.
Bằng cách cùng nhau thực hiện quy trình hoạch định, cấp lãnh đạo và các trưởng phòng ban đảm bảo xây dựng một chiến lược phù hợp chặt chẽ và có khả năng thực hiện thành công, dù chiến lược đó là của tổ chức hay của từng bộ phận.
Theo Hoidoanhnhan